FPTS: Định giá hiện tại của VN-Index thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á
Báo cáo cập nhật mới đây của CTCP Chứng khoán FPTS (FPTS, mã: FTS) cho thấý tính đến ngày 17/5, định giá P/E của VN-Index đang ở mức 13,4x giảm mạnh so thời điểm cuối với quý I/2020 (ngày 31/3/2022, P/E = 16,2x) .
Theo kết quả thống kê, định giá P/E hiện tại thấp hơn so với mức định giá trung bình 10 năm (15,0x) và đang tiệm cận đường P/E trung bình 10 năm trừ 1 độ lệch chuẩn (12,7x). Nhóm phân tích nhận định so với các thị trường khu vực Đông Nam Á, mức định giá hiện tại của VN-Index đang thấp nhất.
Liên quan đến câu chuyện định giá thị trường, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch CTCP Chứng khoán DNSE cho rằng có hai thứ cần quan tâm khi xác định thị trường là rẻ hay đắt. Đầu tiên là so với chính mình ở thời điểm trước. Ngoài ra, ta cũng phải đánh giá thêm về tham chiếu thế giới và Việt Nam bởi thế giới giai đoạn vừa rồi đã giảm rất nhiều. =
"Ta không thể đem định giá kỳ vọng cách đây 6 tháng khớp vào định giá tại thời điểm này vì sẽ có một chút điều chỉnh khi mọi người quan tâm hơn đến các rủi ro về lãi suất. Có thể nói, định giá hiện tại đang khá rẻ so với năm 2020 và những lần bán tháo trong lịch sử tuy nhiên rất khó để kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục mạnh mẽ lên mức định giá trước khi thị trường đi xuống", ông Giang nhận định.
Báo cáo của FPTS cũng chỉ ra thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á đều giảm so với hồi đầu năm. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 17/5, VN-Index giảm mạnh nhất trong thị trường của khu vực: tỷ suất lợi nhuận giảm 21,8% so với thời điểm đầu năm, các thị trường còn lại giảm dưới 8%.
Trong khi đó, Việt Nam đang có mức độ rủi ro quốc gia CRP = 3,56% cao nhất trong số 5 nước: Philippines (CRP = 1,88%), Indonesia (CRP = 1,88%), Thái Lan (CRP = 1,58%) và Malaysia (CRP = 1,19%)
Theo báo cáo của FTS, một trong những điểm nhấn của quý đầu năm là thanh khoản thị trường sụt giảm trong khi số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tạo kỷ lục. Cụ thể, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước của quý I/2022 tiếp tục giữ mức kỷ lục, có thêm hơn 675 nghìn tài khoản mở mới so với quý IV/2021, tương ứng tăng 71,5%.
Tính đến hết 31/3, toàn thị trường có tổng cộng gần 4,9 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thanh khoản thị trường trong quý I sụt giảm so với quý trước, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 793,3 triệu cổ phiếu/phiên, giảm gần 10% so với quý trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho doanh thu các mảng chính của các công ty chứng khoán sụt giảm.
Tại thời điểm cuối quý I, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán giảm nhẹ, đạt hơn 109,60 nghìn tỷ, giảm 57,77 tỷ đồng so với quý IV/2021. Tính chung toàn ngành, tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn chủ sở hữu trong quý đầu năm ở mức 124,6%. 4/10 công ty có vốn hóa lớn nhất ngành chứng khoán ghi nhận dư nợ quý I giảm.