|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

FPT Capital muốn bán ra 1 triệu cổ phiếu TPB

20:41 | 02/11/2022
Chia sẻ
Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 7/11-6/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu giao dịch này thành công, FPT Capital không còn nắm giữ cổ phần nào tại TPBank.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), tương đương 0,063% vốn điều lệ ngân hàng. 

Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 7/11-6/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu giao dịch này thành công, FPT Capital không còn nắm giữ cổ phần nào tại TPBank. 

Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, ông Shuzo Shikata đồng thời giữ chức vụ Thành viên HĐQT FPT Capital. Trong khi Thành viên Ban kiểm soát TPBank, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt đang giữ chức Tổng Giám đốc FPT Capital.

Bên cạnh giao dịch bán cổ phiếu của FPT Capital, một quỹ đầu tư khác có liên quan đến ông Shuzo Shikata là SBI Ven Holdings Pte. Ltd đã đăng ký mua 221.678 cổ phiếu TPB. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 7/11- 6/12 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.  

Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phần mà quỹ này sở hữu tại TPBank sẽ nâng lên gần 71,4 triệu đơn vị, tương đương 4,51% vốn điều lệ ngân hàng.

Các giao dịch trên diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu TPB giảm sâu kể từ tháng 4 khi thị trường chứng khoán lao dốc. So với đầu năm, thị giá cổ phiếu này đã giảm gần một nửa, xuống còn 21.550 đồng/cp tại thời điểm kết phiên giao dịch ngày hôm nay (2/11).

Ước tính với giá trị trên, FPT Capital sẽ thu về khoảng 21,5 tỷ đồng từ giao dịch trên, trong khi SBI Ven Holdings Pte. Ltd phải chi ra gần 5 tỷ đồng.

 Diễn biến cổ phiếu TPB. (Nguồn: TradingView).

Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế lũy kế của TPBank đạt 5.926 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ và thực hiện 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Song mức tăng thu nhập từ lãi tín dụng của ngân hàng chậm lại, thay vào đó, gia tăng nguồn thu từ phí.

Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 11.951 tỷ đồng, tăng 2.045 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kỳ. Đóng góp chính trong tổng thu nhập của ngân hàng là nguồn thu nhập từ lãi thuần với hơn 8.600 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 20,62% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 317.000 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch mục tiêu. Tổng huy động của ngân hàng đạt trên 280.000 tỷ đồng, tăng 49.515 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2021. Dư nợ tín dụng đạt 178.902 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phương Nga

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.