|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Founder Infosys: Người trẻ cần làm việc chăm hơn nữa nếu muốn đất nước trở nên hùng cường

10:34 | 08/11/2023
Chia sẻ
Một trong những doanh nhân được kính trọng nhất của Ấn Độ tin rằng những người trẻ cần phải dành nhiều thời gian làm việc nếu muốn thấy đất nước trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, theo CNN.

Theo CNN, khi nói về tương lai của đất nước tỷ dân, nhà đồng sáng lập của gã khổng lồ phần mềm Infosys - ông Narayana Murthy cho rằng Ấn Độ cần những người trẻ “có tính quyết tâm cao, kỷ luật và cực kỳ chăm chỉ”. Vị doanh nhân nói rằng đó là những người làm việc 70 giờ/tuần.

“Bạn biết đấy, đây chính xác là những gì người Đức và người Nhật đã làm sau Thế chiến thứ hai", ông Murthy nói với Mohandas Pai, cựu CFO của Infosys, trong một cuộc trò chuyện được đăng trên YouTube cuối tháng 10.

Tỷ phú Narayana Murthy, có khối tài sản ròng ước tính khoảng hơn 4 tỷ USD. Ông đồng sáng lập Infosys - một trong những công ty gia công phần mềm lớn nhất thế giới. Ông Murthy nói:

“Giới trẻ của chúng ta có thường tiếp nhận những thói quen không tốt của phương Tây và sau đó không giúp ích gì cho đất nước. Năng suất làm việc của Ấn Độ thuộc hàng thấp nhất thế giới".

 Tỷ phú Narayana Murthy. (Ảnh: ABP News).

Ông nói thêm rằng người Ấn Độ nên học hỏi từ những chính sách đã giúp ích cho các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Ông trùm công nghệ cho biết các lãnh đạo doanh nghiệp ở Ấn Độ nên động viên những người trẻ tuổi làm việc chăm chỉ bằng cách truyền cảm hứng rằng “lần đầu tiên Ấn Độ đã nhận được sự tôn trọng nhất định trên toàn cầu".

"Đây là lúc chúng ta củng cố và đẩy nhanh tiến độ”, ông Murthy nhấn mạnh.

Ấn Độ, một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay, theo quỹ Tiền tệ quốc tế. Ý kiến ​​của ông Murthy về làm nhiều giờ hơn được đưa ra trước bối cảnh đang có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách suy nghĩ về lao động ở phương Tây và Trung Quốc.

Trong vài năm nay, nhiều thanh niên ở Trung Quốc đã chạy theo trào lưu “nằm thẳng”, để chống lại văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày một tuần)khắc nghiệt của đất nước này.

Tại Mỹ, trào lưu "nghỉ việc trong im lặng" đã trở thành một xu hướng tại nơi làm việc vào năm ngoái, khi mọi người quyết định ngừng làm những công việc vượt quá những gì họ được thuê để làm.

Phát ngôn của ông Murthy đã bị chỉ trích trên mạng xã hội. Trong vài năm qua, một số cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng người Ấn Độ cảm thấy họ nằm trong số những người làm việc quá sức và bị trả lương thấp nhất trên thế giới.

Doanh nhân người Ấn không phải là người duy nhất gặp phải ý kiến phản đối. Mới đây, phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT, Hoàng Nam Tiến về sự chăm chỉ của người trẻ cũng vấp phải nhiều tranh luận trái chiều. Theo đó, ông Tiến từng chia sẻ rằng dù bản thân tự hào có thể làm việc 12 - 16 giờ/ngày nhưng ông vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp nhiều bạn trẻ làm việc đến 20 giờ/ngày.

Trong một phát biểu hồi năm 2022, ông Tiến nói: “Tôi rất tự hào mình có thể làm việc 12, 14, 16 giờ/ngày, không có thứ 7, Chủ nhật, làm từ năm này qua năm khác, nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm việc 20 giờ/ngày. C

ác bạn ấy bị vợ mắng nếu mà có vợ, các bạn bị người yêu bỏ, chắc chắn bỏ rồi, bởi vì không còn thời gian nào. Các bạn sống bằng đam mê, bằng hành động của mình và làm việc điên cuồng mỗi ngày”.

Gần đây, phát ngôn của ông Tiến tiếp tục được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội. Phản hồi những ý kiến này, Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT cho rằng không phải ai cũng đồng quan điểm của ông.

Ông Tiến cho rằng người Việt không phải là một dân tộc thông thái vượt trội. Đồng thời, Việt Nam không có nguồn lực như nhiều quốc gia khác như công nghệ, nền tảng công nghiệp... Do đó, ông vẫn bảo lưu quan điểm rằng người Việt phải làm việc chăm chỉ hơn nữa.

Thùy Trang