|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Forbes: Nợ xấu có thể đe dọa nghiêm trọng tới bùng nổ kinh tế Việt Nam

08:08 | 14/05/2017
Chia sẻ
Theo Forbes, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sẽ bị gián đoạn vì các doanh nghiệp trong nước sử dụng khoản vay mạo hiểm để phát triển kinh doanh.
forbes no xau co the de doa nghiem trong toi bung no kinh te viet nam
Dự án xây dựng các tòa nhà cao tầng bên cạnh bờ sông Sài Gòn ở TP. HCM. (Nguồn: Forbes)

Forbes nhận định, kinh tế Việt Nam đang giữ vững mức tăng trưởng khoảng 6%/năm. Chính phủ duy trì động lực tăng trưởng này thông qua việc biến Việt Nam thành địa điểm thu hút đối với các nhà sản xuất xuất lớn. Khoản đầu tư của các công ty này đổi lại thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương khi hỗ trợ xuất khẩu và thuê thêm nhiều nhân công. Chu kỳ này đóng góp đáng kể cho sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại quốc gia với dân số hơn 90 triệu người.

Tuy nhiên, theo Forbes, kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với một kết thúc buồn nếu các doanh nghiệp trong nước tiếp tục sử dụng các khoản vay rủi ro cao để phát triển hoạt động kinh doanh. Nhận định này được đưa ra bởi các nhà kinh tế học theo dõi sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu, và đôi khi được miêu tả là sự thay thế cho Trung Quốc bởi chi phí đầu tư nhà xưởng thấp.

Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, tốc độ tăng trưởng kinh tế không nhanh bằng “sự khuếch trương tín dụng”, và “những hậu quả của việc sử dụng vốn vay mức độ vi mô”. Natixis cho biết thêm các công ty Việt Nam nằm trong nhóm những công ty tệ nhất trong 10 quốc gia Đông Nam Á về khả năng trả nợ kém, sử dụng vốn vay nhiều và phụ thuộc vào nguồn quỹ ngắn hạn.

Một số công ty đã vay vốn trong thời điểm nhu cầu toàn cầu suy yếu vào cuối năm 2016. Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước được đánh giá hoạt động kém hiệu quả. Những khoản vay của họ chỉ được chi trả nếu được sử dụng cho những dự án có lời, báo cáo gợi ý, nhưng những dự án đó có lời hay không thì không rõ.

Một nghiên cứu với 147 công ty từ năm 2006 – 2014 được xuất bản trên tạp chí Kinh tế và Tài chính Quốc tế của Canada chỉ ra, ảnh hưởng của vay vốn đối với hoạt động của các công ty ở Việt Nam là rất tiêu cực. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mô tả các doanh nghiệp Việt Nam là “những công ty có mức nợ cao”. Nợ tư nhân tăng hơn 100% GDP từ năm 2011 biến Việt Nam thành quốc gia khác biệt ở châu Á.

Một vài công ty muốn sử dụng nợ, nghĩa là họ sử dụng khoản cho vay để theo đuổi những dự án được kỳ vọng sẽ mang về lợi nhuận, mà có thể thanh toán nợ và kiếm được thêm lợi nhuận. Không có khoản vay, họ sẽ thiếu tiền cho những dự án đó.

Chiến lược này đặc biệt hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nhà nước muốn tham gia vào nền kinh tế trị giá 200 tỷ USD và tăng trưởng 6,21% vào năm ngoái và 6,7% trong năm 2015. Doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, hoạt động trên mọi lĩnh vực kinh tế từ khai thác khí đốt tự nhiên đến sản xuất may mặc, đóng góp 1/3 GDP vào cuối năm 2015.

Ông Frederick Burke, cộng tác với hãng luật Baker & McKenZie ở TP. HCM cho biết thêm rằng các công ty bất động sản rất cạnh tranh trên thị trường và bị nợ khá lớn. (IMF phát biểu rằng ở châu Á, các công ty có khả năng thanh khoản và lợi nhuận thấp sẽ nợ nhiều nhất).

Nếu các khoản cho vay được sử dụng cho các khoản chi phí vốn như một tòa nhà chung cư mà không thể bán, các công ty khó có thể hoàn nợ.

Hình dung tình huống này xảy ra với một loạt các công ty trong các ngành công nghiệp khác nhau và bạn có thể thấy tại sao tăng trưởng bị tác động.

Chính phủ Việt Nam biết về rủi ro này và đã cố gắng cắt giảm các khoản cho vay xấu thông qua việc sử dụng các tổ chức tài chính bán nợ cho công ty Quản lý Tài Sản Việt Nam (VAMC). Tỷ lệ nợ xấu đã chính thức ở gần mức mục tiêu 3% trong năm 2015, nhưng một ước tính chỉ ra nó sẽ cao hơn con số này.

Các chuyên gia phân tích rất khó có thể dự đoán sự suy thoái của nền kinh tế chỉ trong nay mai chỉ bằng việc tăng trưởng rủi ro có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm tới.

Hiện tại, sức mạnh kinh tế tổng thể của Việt Nam được thể hiện thông qua sự bùng nổ của sản xuất xuất khẩu. Điều này có thể cải thiện cách nhìn của các nhà đầu tư đối với Việt Nam, và qua đó ảnh hưởng tốt tới các dự án đang vay nợ. Ông Burke cho biết thêm: “Còn có rất nhiều khoản đầu tư nước ngoài đến để tham gia vào câu chuyện tăng trưởng lành mạnh của Việt Nam”.

Lyly Cao