|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

FLC lên kế hoạch đầu tư loạt dự án khủng tại Hòa Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu,... trong năm 2022

11:57 | 28/03/2022
Chia sẻ
Trong năm nay, Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết lên kế hoạch xúc tiến các thủ tục pháp lý để triển khai, ra mắt chính thức khoảng 25 dự án bất động sản với tổng quy mô lên đến hàng nghìn ha tại Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông,...

 Trụ sở Tập đoàn FLC tại Cầu giấy. (Ảnh: Hà Lê). 

Theo thông tin từ Tập đoàn FLC (Mã: FLC), hiện doanh nghiệp đang xúc tiến pháp lý khoảng 300 dự án trên hơn 40 tỉnh thành cả nước và tiếp tục mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam.

Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu xúc tiến pháp lý để chính thức triển khai gần 25 dự án mới tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ,…Trong số này, có các dự án hợp phần mới từ những đại dự án đã và đang được FLC triển khai như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn,…

Một trong những định hướng chiến lược chính vẫn được doanh nghiệp này theo đuổi trong mảng bất động sản là mô hình phát triển chuỗi dự án quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị sinh thái hiện đại.

Với quỹ dự án đồ sộ này, FLC dự kiến cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm chủ lực là bất động sản đô thị và bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp như: căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề, shophouse, shopvilla,… trong năm nay.

Tại phía Bắc, Quảng Ninh là một trong những thị trường trọng điểm với gần 30 dự án đang được FLC nghiên cứu đầu tư. Bên cạnh quần thể FLC Hạ Long đã hoàn thiện và hai dự án đang được triển khai FLC Grand Villa Halong, Khu đô thị FLC Tropical City Ha Long, doanh nghiệp có kế hoạch triển khai các dự án như Khu đô thị mới Ninh Dương – Móng Cái, Khu dịch vụ thương mại Cảng Cái Rồng, Khu đô thị kết hợp dịch vụ tại phường Hồng Hải, Hồng Hà,… trong năm nay.

Khu vực Trung du miền núi phía Bắc được FLC khởi động từ đầu năm 2021 với việc khởi công dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp FLC Hà Giang. Tại Phú Thọ, đầu năm 2022, doanh nghiệp đã khởi động dự án quần thể nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao FLC Phú Thọ quy mô gần 250 ha, tổng vốn các giai đoạn lên tới 10.000 tỷ.

Nhiều dự án khác quy mô khác trong khu vực như Hoà Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên,… cũng đang được FLC nghiên cứu lập quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục triển khai một số dự án khu đô thị mới tại ngoại thành Hà Nội.

Ở thị trường miền Trung, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định,… là khu vực tập trung nguồn lực đầu tư của FLC với việc ra mắt lần lượt các dự án mới thuộc đại quần thể FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn và FLC Quảng Bình,… Nhiều dự án đô thị tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi cũng đã được FLC lên kế hoạch triển khai trong năm 2022.

Tại Tây Nguyên, ngoài Quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái FLC Gia Lai quy mô quy hoạch khoảng 500 ha, FLC tiếp tục kế hoạch mở rộng thị trường với loạt dự án đô thị, tổ hợp thương mại – dịch vụ tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông,…

Tại khu vực Tây Nam Bộ, FLC vừa qua đã được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận đầu tư nhiều dự án nhà ở như nhà ở mật độ cao Hiệp Thành – Vĩnh Trạch Đông, nhà ở kết hợp quảng trường Vĩnh Trạch Đông và nhà ở kết hợp công viên cây xanh Vĩnh Trạch Đông. Dự kiến nhiều hạng mục của các dự án này cũng sẽ được khởi động trong năm 2022.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, FLC đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2022 là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ. Đây đều là những con số cao chưa từng thấy trong lịch sử của FLC.

Năm 2021, tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.250 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.100 tỷ. Như vậy, mục tiêu của năm 2022 cao hơn lần lượt 77% và 91% kế hoạch năm 2021.

Cơ cấu doanh thu lớn nhất năm 2022 thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu.

Nếu tính thêm các lĩnh vực bổ trợ như hàng không và mảng đầu tư thi công, kế hoạch doanh thu của toàn hệ thống ước tính là 42.000 tỷ đồng.

Hà Lê

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.