|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

FiinRatings: Chất lượng các khoản lãi và phí phải thu đáng lưu tâm tại một nhóm ngân hàng

07:48 | 03/02/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia phân tích của FiinRatings, một số ngân hàng có các khoản lãi và phí phải thu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng tài sản, trong khi vòng quay lại rất dài trong suốt nhiều năm liền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nợ khó đòi.

Báo cáo "Nhìn lại 2022 và triển vọng thị trường vốn 2023" của FiinRatings nhận định tỷ lệ nợ xấu đã tăng mạnh tại một số ngân hàng, đồng thời chất lượng các khoản lãi và phí phải thu đáng báo động ở nhóm ngân hàng có chất lượng tín dụng thấp.

Cụ thể, sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN kết thúc (30/6/2022), các ngân hàng bắt đầu đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh (nợ xấu nội bảng và trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành) tại thời điểm 30/9/2022 của toàn ngành là khoảng 2,6%, tăng nhẹ so với mức 2,5% hồi đầu năm. Trong đó, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh như NCB, SCB, PGB. Nhiều ngân hàng lớn cũng tăng nhẹ tỷ lệ nợ xấu từ 0,1 – 0,3 điểm %.

Cùng với đó, chất lượng các khoản lãi và phí phải thu cũng là vấn đề đáng lo ngại tại một số ngân hàng có chất lượng tín dụng thấp. 

Theo số liệu phân tích của FiinRatings, trung bình, các ngân hàng có vòng quay khoản lãi và phí phải thu khoảng 30 đến 60 ngày. Tuy nhiên, một số ngân hàng có các khoản lãi và phí phải thu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng tài sản, trong khi vòng quay lại rất dài (lên tới hơn 250 ngày) trong suốt nhiều năm liền.

Đây là dấu hiệu cho thấy các khoản phải thu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nợ khó đòi, và các số liệu kế toán chưa phản ánh chính xác chất lượng tài sản của ngân hàng.

Trước kịch bản nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao thường có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, điển hình như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB...

"Chúng tôi cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi như nợ xấu tăng từ tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hay biên lãi thuần bị ảnh hưởng", báo cáo nhận định. 

 

Theo FiinRatings, trong năm 2022, việc hạn chế cho vay qua kênh tín dụng ngân hàng trong thời điểm thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng đóng băng đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, gây nên các ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn nói chung và tác động ngược lại đến chất lượng tài sản sinh lãi của ngân hàng khi một số khách hàng bị nhảy nhóm nợ do chậm thanh toán các khoản vay.

Các khoản trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng nắm giữ cũng có khả năng trở thành nợ xấu khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán một phần hoặc toàn bộ, trong khi tài sản đảm bảo cần thời gian để có thể thanh lý.

Huyền Phương