Fiat Chrysler muốn sáp nhập với công ty mẹ Peugeot
Cổ phiếu Fiat Chrysler đã tăng mạnh sau thông tin trên, chốt phiên Mỹ hôm qua tăng hơn 7,5%. Một nguồn tin khác cho biết trên Reuters rằng ban kiểm soát của PSA sẽ họp trong hôm nay để bàn bạc về khả năng sáp nhập. Wall Street Journal trước đó cũng đưa tin về thương vụ này.
Dù vậy, kể cả khi vụ M&A này vượt qua rào cản chính trị, tài chính và quản trị, công ty mới cũng vẫn phải giải quyết với nhiều thách thức khổng lồ. Các hãng xe toàn cầu đang đối mặt với triển vọng nhu cầu đi xuống, cùng sự thay đổi chóng mặt về công nghệ.
CEO Peugeot Carlos Tavares từng dự báo các hãng xe sẽ trải qua "10 năm biến động" khi giới chức các nước muốn chuyển sang xe điện để giảm khí thải gây biến đổi khí hậu.
Logo FCA tại trụ sở ở Michigan (Mỹ). Ảnh: Reuters
Từ nhiều năm nay, các nhà đầu tư đã đồn đoán Fiat Chrysler sẽ săn tìm đối tác sáp nhập, do chịu ảnh hưởng từ cố CEO huyền thoại Sergio Marchionne.
Ông là người đã giúp Fiat thoát bờ vực phá sản và niêm yết trên sàn chứng khoán New York năm 2014. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của Fiat Chrysler Automobiles (FCA) - hãng xe được tạo ra sau khi Fiat mua Chrysler.
Nếu M&A thành công, Peugeot và Fiat Chrysler có thể chia sẻ động cơ, thiết kế xe, giảm chi tiêu vốn và có thêm tiền mặt để phát triển xe điện, công nghệ giảm khí thải theo quy định của nhiều nước hiện tại. Việc sáp nhập cũng có lợi cho Peugeot, khi hãng xe này hiện không bán nhiều sản phẩm tại thị trường Mỹ.
Peugeot và Fiat Chrysler từng thảo luận về việc sáp nhập đầu năm nay, trước khi Fiat đề xuất thương vụ 35 tỷ USD với Renault. Thời điểm đó, Fiat cho rằng sáp nhập với Renault có lợi hơn Peugeot.
Dù vậy, thương vụ sau đó bất thành, do chính phủ Pháp can thiệp, thúc giục Renault ưu tiên giải quyết vấn đề trong liên minh với đối tác Nissan Motor trước. Năm 2015, Fiat Chrysler cũng từng đề xuất sáp nhập với General Motors nhưng không thành công.