Fed có thể bắt đầu cắt giảm bơm tiền vào giữa tháng 11
Theo CNBC trích dẫn từ biên bản cuộc họp tháng 9, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm việc bơm tiền thông qua chương trình mua tài sản từ giữa tháng 11 tới.
Theo đó, ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ bắt đầu bằng cách cắt giảm 10 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 5 tỷ USD chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp mua vào mỗi tháng. Hiện tại, mỗi tháng Fed đang mua vào ít nhất 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp.
Nếu không có yếu tố gián đoạn nào, chương trình mua tài sản của Fed có thể kết thúc vào giữa năm sau.
Thậm chí, biên bản họp còn chỉ ra một số quan chức cho rằng việc thắt chặt van bơm tiền cần được đẩy nhanh hơn.
Chia sẻ với CNBC hôm 12/10, Thống đốc Fed thành phố St. Louis James Bullard cho hay ông kỳ vọng Fed sẽ quyết liệt hơn trong việc giảm bơm tiền nếu cơ quan này muốn tăng lãi suất trong năm sau để chống lại lạm phát.
Tại phiên họp tháng 9, các thành viên đã bỏ phiếu nhất trí giữ nguyên lãi suất vay ngắn hạn ở mức 0 đến 0,25%/năm. Đồng thời, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm nay, tăng dự báo lạm phát. Tuy nhiên, họ kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ có sự cải thiện.
Những lo ngại về lạm phát
Theo biểu đồ dot plot của cuộc họp vừa qua, phần lớn các thành viên của Fed cho rằng có thể bắt đầu tăng lãi suất ngay sau năm 2022.
Trong khi đó, các thị trường hiện đang dự báo đợt tăng lãi suất đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm sau. Sau khi biên bản cuộc họp được công bố mới đây, số lượng nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ tăng từ tháng 9 năm sau đã nâng từ 62% lên 65%, theo số liệu của CME FedWatch. Có 46% các nhà giao dịch cho rằng sẽ có tới hai đợt tăng lãi suất trong năm 2022.
Song, các quan chức nhấn mạnh rằng việc cắt giảm chương trình mua tài sản không đồng nghĩa với việc tăng lãi suất.
Mặt khác, một số thành viên tại cuộc họp tỏ ra lo ngại rằng áp lực lạm phát hiện nay có thể kéo dài hơn họ dự đoán.
"Hầu hết thành viên Fed đều cho thấy rằng rủi ro lạm phát tăng lên vì lo ngại rằng sự gián đoạn nguồn cung và thiếu hụt lao động có thể kéo dài hơn và có thể có những tác động lớn hơn hoặc dai dẳng hơn", biên bản họp nêu.
Theo số liệu cập nhật hôm 13/10, áp lực lạm phát vẫn đang tiếp tục tăng lên, chỉ số CPI đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.