'FDI là động lực tăng trưởng tốt nhất trong 30 năm đổi mới'
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài |
"Trong tổng kết 30 năm thu hút FDI phải đề ra cho được những định hướng mới, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, để vừa đảm bảo vừa thu hút được nhiều vốn đầu tư, vừa có hiệu quả hơn và chất lượng cao hơn". |
Năm 2017 đánh dấu 30 năm Việt Nam thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Xin ông cho biết những kết quả cơ bản nhất trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 30 năm qua?
Nói về những đóng góp của thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian qua, hiện có những ý kiến cho rằng thu hút FDI không đạt được nhiều kết quả lắm, việc thu hút FDI không đạt được yêu cầu, mục tiêu, một số dự án FDI làm ô nhiễm môi trường, chuyển giao công nghệ, đóng góp thu ngân sách không được bao nhiêu, FDI chiếm tới 70% kim ngạch XK… Cách lập luận như vậy rất nhiều. Tôi cho rằng ai cũng có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình, nhưng có đúng với thực tế hay không lại là chuyện khác.
Về kết quả thu hút FDI, cho đến ngày 20/3/2017, vốn FDI thực hiện của Việt Nam đạt 157 tỷ USD trong 30 năm. Từ năm 1988 đến năm 1990 thu hút FDI chưa được bao nhiêu, từ năm 1991 mới bắt đầu và từ năm 1999 đến 2004 cũng không được bao nhiêu do khủng hoảng kinh tế khu vực dẫn tới vốn FDI giảm sút nghiêm trọng. Tựu chung lại, bắt đầu 1991 tới 2016 Việt Nam giải ngân được 157 tỷ USD. Vốn FDI thu hút và thực hiện ngày càng nhiều.
Nếu như trong giai đoạn 1991 đến 2001 bình quân vốn thực hiện là 3 tỷ USD/năm, 10 năm giải ngân được 30 tỷ USD, thì từ 2001 tới 2016, Việt Nam giải ngân được 127 tỷ USD, tính trung bình mỗi năm giải ngân được 8 tỷ USD, đây là câu chuyện không hề đơn giản. Trong đó, từ 2011 đến 2016 mỗi năm giải ngân được khoảng 12 tỷ USD, riêng năm 2016, con số giải ngân được xấp xỉ 15 tỷ USD, chiếm 20-21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của năm 2016, đây là con số khá ấn tượng.
Về vốn đăng ký, tính đến ngày 20/3/2017, Việt Nam thu hút được khoảng 305 tỷ USD. Như vậy, đến nay còn khoảng 150 tỷ USD chưa thực hiện, trong số đó, theo quan sát của tôi có khoảng 100 tỷ USD là không thực hiện được, do nhà đầu tư “rởm” hoặc những nhà đầu tư vì nhiều lý do không có điều kiện thực hiện dự án…
Do đó, theo tôi tốt nhất cần phải sớm loại 100 tỷ USD này ra khỏi thống kê của Nhà nước để đảm bảo con số thực. Tôi cho rằng, con số còn lại chưa giải ngân được các địa phương phải ráo riết giải tỏa những vướng mắc của nhà đầu tư để đưa dự án và triển khai, không nên để treo mãi con số không thực tế.
Theo ông, những cái được lớn nhất trong thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua là gì?
Vốn FDI là nguồn vốn cực kỳ quan trọng, chiếm khoảng từ 22-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tùy từng thời gian. Giai đoạn đầu 1991-1997 vốn FDI chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Sau này khi vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên, DN trong nước cũng phát triển hơn thì vốn FDI chiếm khoảng 20-22%, đây là con số không nhỏ.
FDI cũng là khu vực đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước khi thu nội địa không kể dầu thô của FDI đóng góp khoảng 15-19% ngân sách, con số này tới đây còn lớn hơn nhiều khi nhiều dự án của các DN FDI sắp được đưa vào vận hành. Đối với công nghiệp, 50% giá trị sản xuất ngành công nghiệp hiện nay là của khu vực FDI, trong đó ngành công nghiệp như khai thác dầu khí, công nghệ sản xuất máy tính, điện thoại, công nghiệp ô tô, xe máy… phần lớn là của DN FDI.
Có nghĩa là trong công nghiệp nói chung DN FDI chiếm 50%, nhưng những ngành công nghiệp cơ bản thì tỷ trọng của DN FDI là khá lớn. Bên cạnh đó, ở những địa phương có thu hút nhiều FDI như Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… thì tỷ lệ này còn lên tới 70%. Có thể nói, FDI góp phần tạo ra những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, là những ngành không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa.
Trong XK, FDI cũng là khu vực đóng góp lớn khi chiếm tới 70% kim ngạch XK và khu vực này luôn xuất siêu. 3 tháng đầu năm 2017, khu vực này đã xuất siêu gần 6,5 tỷ USD. Đồng thời, khu vực này cũng tạo ra gần 4 triệu việc làm, trong đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho nhiều lao động quản lý, kỹ sư… với trình độ cao.
Về vấn đề chuyển giao công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng, FDI chủ yếu mang vào Việt Nam công nghệ trung bình là chủ yếu, có một số công nghệ lạc hậu. Nhưng nếu hiểu chuyển giao công nghệ là mang thiết bị máy móc vào là không chính xác. Chuyển giao công nghệ là các bí quyết kỹ thuật gắn với việc NK các máy móc, thiết bị. Phải nói rằng, một số ngành hiện nay có công nghệ tương đối hiện đại như ngành khai thác dầu khí, nếu không qua chuyển giao công nghệ từ FDI thì từ đâu?
Hiện nay công nghiệp khai thác dầu khí từ khâu thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí của Việt Nam đang ở mức rất cao so với 20 năm trước và thậm chí còn có thể tham gia đấu thầu ở nước ngoài. Các ngành khác như công nghệ thông tin, công nghệ truyền hình, dệt may… cũng có nhiều thay đổi nhờ sự chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI. Vì thế, khi đánh giá công nghệ phải đánh giá theo từng ngành, không thể nói chung chung được.
Đánh giá của ông về những cái “mất” của Việt Nam khi thu hút FDI trong thời gian qua?
Chúng ta thấy thời gian qua, về môi trường, có những DN FDI gây ra nhiều sự cố ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sự cố thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước có 23.000 DN FDI đang hoạt động, có những DN đã gây ra những sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng phải khẳng định đó không phải là đa số.
Hơn nữa, việc gây ô nhiễm môi trường không chỉ có DN FDI mà có cả những DN trong nước, từ DNNN đến DN tư nhân. Đây là hệ thống vấn đề có liên quan đến kinh tế thị trường trong điều kiện lợi nhuận đang làm mờ mắt các ông chủ DN. Vì thế, chúng ta phải xử lý tổng thể, kể cả với các DN FDI chứ không phải do đầu tư nước ngoài mới có ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, FDI không phải là cái bắt buộc với các nước, nhưng với Việt Nam, chúng ta nhận thấy FDI rất quan trọng. Khi đã chấp nhận FDI phải chấp nhận những tiêu cực mà FDI và kinh tế thị trường mang lại… Vấn đề là cách tiếp cận của chúng ta là phải làm thế nào để ứng phó, giảm thiếu những hạn chế của FDI.
Thực tế thì không có quốc gia nào không có câu chuyện chuyển giá, trốn thuế, không có tập đoàn nào không tìm cách giao cho các DN, chi nhánh để chuyển giá… Như vậy đây là câu chuyện mang tính toàn cầu, do đó chúng ta phải có giải pháp ứng phó và đây là nhiệm vụ của ngành Thuế. Nhìn tổng thể, trong 30 năm thu hút FDI của Việt Nam, bên cạnh những vấn đề bất cập nêu trên, nhưng tổng hòa lại thì FDI chính là động lực tăng trưởng tốt nhất trong gần 30 năm phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm 2017, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay?
Có thể nói, năm 2017 động lực tăng trưởng từ khu vực FDI vẫn tiếp tục thể hiện tốt. Ngay trong quý I/2017 vốn FDI đăng ký đã tăng cao, vốn giải ngân cũng tăng. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Hiện nay Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, đánh giá này là có cơ sở, do Việt Nam có tình hình chính trị ổn định nhất trong các nước ASEAN, kinh tế vĩ mô, tỷ giá hối đoái ổn định, tăng trưởng kinh tế khá so với các nước trong khu vực, lạm phát được kiểm soát…
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh hiện cũng đang được cải thiện tốt hơn. 67% DN FDI đến từ Nhật Bản cho biết đều có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG… của Hàn Quốc cũng đã có những đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong những năm gần đây. Với Tập đoàn Samsung, từ chỗ rót 650 triệu USD vào Việt Nam năm 2007, đến năm 2017 số vốn mà DN này đầu tư vào Việt Nam đã đạt 17 tỷ USD, trở thành DN FDI có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Với những động thái như vậy, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều dự án lớn và quan trọng, vấn đề là phải lựa chọn như thế nào để chọn được đúng dự án, đúng nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ:
“Cần phải lựa chọn những phân ngành, dự án đầu tư vào Việt Nam thiên về chất, có hàm lượng công nghệ cao để giảm thiểu rủi ro về môi trường. Những dự án có ảnh hưởng môi trường và các yếu tố bất lợi khác phải hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn và yếu tố này phải được đặt lên hàng đầu, cương quyết không đánh đổi đầu tư bằng mọi giá dẫn tới tài nguyên thiên nhiên, môi trường bị tàn phá nặng nề. Đồng thời, việc quản lý, giám sát các dự án cần được thực hiện theo đúng quy trình, tiêu chuẩn môi trường đặt ra. Chúng ta cần đưa ra được những giải pháp mạnh, chế tài nghiêm khắc trong việc xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, cần rà soát lại cơ chế theo hướng người tham gia quyết định phê duyệt dự án phải chịu trách nhiệm mới sàng lọc được chất lượng dự án”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:
“Việc đầu tư công sức, tiền bạc và con người cho công cuộc chống chuyển giá hoàn toàn là một cuộc đầu tư có lãi, thậm chí là lãi lớn bởi khi hoạt động chống chuyển giá tại Việt Nam đi vào trọng tâm và thực chất, số thu về ngân sách nhà nước sẽ là không nhỏ, đồng thời còn mang lại một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các DN làm ăn chân chính trong nước và DN FDI đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam”.
Thu hút gần 11 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại trong 4 tháng
Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong 4 tháng đầu năm nay ... |
Doanh nghiệp FDI báo lỗ lớn nhất nhưng lợi nhuận lại cao nhất
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn dẫn đầu về thua lỗ nhưng hiệu suất sinh lợi trên tài sản ... |
Châu Á và cơ hội đầu tư xuyên biên giới
Hoạt động đầu tư xuyên biên giới không chỉ thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á, mà đây được coi là ... |
Doanh nghiệp FDI liên tục thua lỗ, hủy niêm yết
Với lý do thua lỗ nhiều năm liên tiếp, một số cổ phiếu của doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/