|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Châu Á và cơ hội đầu tư xuyên biên giới

08:18 | 07/04/2017
Chia sẻ
Hoạt động đầu tư xuyên biên giới không chỉ thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á, mà đây được coi là xung lực trong dài hạn của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực và hàng rào thương mại thấp hơn cần các sáng kiến và khuôn khổ quản lý mới.

chau a va co hoi dau tu xuyen bien gioi

Trong báo cáo đầu tư thế giới 2016 mới công bố của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã nhận được hơn 600 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm vừa qua. Điều đáng khích lệ là lượng FDI chảy vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á cũng tăng mạnh mẽ, cùng với lượng vốn đầu tư của chính khu vực này.

Bên cạnh việc nhận được hàng trăm tỷ USD, các quốc gia và công ty có cơ hội xây dựng nền tảng để duy trì tăng trưởng bền vững; củng cố thị trường lao động; tiếp cận công nghệ và kỹ năng mới; gia tăng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị; thích ứng với các mô hình kinh doanh mới và sáng tạo những sản phẩm có chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, đây không phải là sự trao đổi một chiều. Bản thân các quốc gia và công ty “rót” vốn FDI vào châu Á cũng sẽ có cơ hội khai thác những thị trường mới, mở rộng và đa dạng hóa danh mục đầu tư, từ đó giảm bớt sự biến động và rủi ro từ những khu vực khác.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Nếu đầu tư xuyên biên giới đem lại tiềm năng doanh thu và tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, vì sao nhiều công ty và chính phủ các quốc gia trên toàn khu vực vẫn chưa thể xây dựng những hành lang chính sách đủ rộng để khuyến khích đầu tư.

Giới phân tích đã chỉ ra một số lý do sau: Trong một số trường hợp, môi trường kinh tế, pháp lý và quản lý tại châu Á vẫn chưa phát triển thỏa đáng. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế châu Á còn thiếu các sáng kiến đúng đắn để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư. Điều này đã được phản ánh trong Báo cáo Kinh doanh toàn cầu 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB).

Bên cạnh đó, mức xếp hạng trung bình về môi trường đầu tư của các quốc gia trong khu vực nhìn chung còn rất thấp so với nhóm các nền kinh tế phát triển, cho thấy sự cần thiết để nhiều chính phủ châu Á tạo dựng một môi trường kinh doanh giàu tính cạnh tranh hơn, giảm bớt các rào cản tiếp cận thị trường và hoạt động thương mại xuyên biên giới. Tất nhiên, không có mô hình đơn lẻ nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia, song châu Á cần coi đó là ưu tiên chiến lược trong xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư khuyến khích năng suất và tăng trưởng.

Đừng đánh mất cơ hội

Ước tính, mỗi năm, châu Á thiệt hại tới 1.000 tỷ USD vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Con số này thậm chí có thể tăng cao hơn khi lượng người sống ở các thành phố lớn trên toàn khu vực tiếp tục tăng. Điều khó tính toán hơn, song không khó để tưởng tượng là mức độ thiệt hại tới tốc độ tăng trưởng nếu hệ thống đường sá, cầu cảng hay đường cao tốc vẫn không được xây dựng vì thiếu vốn. Đây là nỗi “ám ảnh” đối với không ít quốc gia châu Á nói chung, cũng như người dân và các công ty của họ nói chung.

Dù mức độ huy động vốn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng châu Á đã được cải thiện hơn trong những năm qua, song nguồn vốn tài chính và đầu tư đó chưa thể đáp ứng cho nhu cầu khổng lồ. Để lấp đầy khoảng trống đó, các nhà kinh tế cho rằng, châu Á phải tận dụng tốt mọi nguồn lực từ tài chính từ hình thức hợp tác công - tư (PPP). Để phát huy được sức mạnh khu vực công và tư, các chính phủ sẽ phải đảm bảo những sáng kiến và quy định quản lý phải được phát triển đồng bộ.

Sự cần thiết phát triển đồng bộ thể hiện rất rõ trong lĩnh vực năng lượng. Nguồn vốn trong nước và quốc tế, cả trong khu vực tư nhân và nhà nước có thể giúp giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, nó giúp tài trợ các dự án trên khắp các thị trường đang phát triển để giúp hàng trăm triệu người dân tiếp cận nguồn điện năng ổn định.

Thứ hai, nó giúp hỗ trợ các dự án năng lượng tốt hơn cho môi trường. Số liệu WB cũng cho thấy châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát thải khí gây hiệu ứng nhà kinh lớn nhất, đồng thời chiếm 60% tiêu thụ than đá trên toàn cầu.

Vì thế, các nhà kinh tế cho rằng, cơ hội để châu Á thúc đẩy đầu tư tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực đa dạng, từ nông nghiệp, tài chính vi mô, giáo dục cho đến chăm sóc sức khỏe.

Trong bối cảnh các chính phủ phải tìm mọi cách để vận hành trong điều kiện tài chính thắt chặt, các công ty sẽ phải tìm ra các giải pháp mới để tăng trưởng và đa dạng hóa đầu tư, giảm thiểu rủi ro thông qua công cụ phái sinh mới. Với sự nhạy bén của mình, nhà đầu tư cần nhận thấy vai trò của hoạt động đầu tư xuyên biên giới còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Việt Khoa

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.