Hơn 10 tỷ USD vốn FDI đổ về các tỉnh thành này 4 tháng đầu năm
Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bộ KH&ĐT, đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm ngoái.
Tính lũy kế đến ngày 20/4, cả nước có 34.891 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 424,59 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 257,52 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Cụ thể, đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, trong đó Singapore tiếp tục dẫn đầu với 3,1 tỷ USD vốn đầu tư chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 35,8% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan.
Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,35 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn. TP HCM vượt lên xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,28 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo lần lượt là Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng,…
Nếu xét về số dự án mới, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội. Trong đó, TP HCM dẫn đầu về số dự án mới (39,9%), số lượt GVMCP (70,4%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13,6%, sau Hà Nội là 16,1%).
Có thể kể đến một số dự án vốn đầu tư nước ngoài tiêu biểu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong 4 tháng đầu năm như:
Dự án Công ty TNHH Lego manufaturing Việt Nam (Đan Mạch), tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỷ USD với mục tiêu sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương;
Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD;
Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên;
Dự án Công ty TNHH Fujifilm Business Innovation Việt Nam (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 494,2 triệu USD tại TP HCM;
Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh.
Xét theo ngành, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD, chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 2,8 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 667,8 triệu USD và gần 357,5 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 28,6%, 25,8% và 18,1% tổng số dự án.
Nhìn chung, vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Với sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN đều tăng so với cùng kỳ cả về số lượng và vốn đầu tư. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng vốn với quy mô lớn trong 4 tháng đầu năm.
Vốn đầu tư đăng ký mới giảm khá mạnh, tiếp tục làm giảm tổng vốn đầu tư trong 4 tháng (giảm 11,7%), song số lượng dự án đầu tư mới trong cả 4 tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ (0,7%). Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà ĐTNN vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu.
Tổng vốn đầu tư trong tháng 4 năm 2022 giảm so với các tháng đầu năm 2022 do không có nhiều các dự án quy mô vốn lớn như các tháng cùng kỳ 2021. Tuy nhiên ngoài số lượng dự án mới, số lượt GVMCP giảm nhẹ so với tháng 3/2022 thì đều tăng hơn so với các tháng 1 và 2 năm 2022. Riêng số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn đang có xu hướng tăng đều trong các tháng đầu năm. Với việc mở cửa các đường bay quốc tế từ ngày 15/3 sẽ tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.