Eximbank và những hệ lụy từ vụ tiền gửi khách hàng 'bốc hơi'
Chi phí hoạt động tăng do vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của ngân hàng?
Vụ việc nhân viên của Eximbank lừa đảo và chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng là một sự kiện rủi ro ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng.
Năm 2018, chi phí hoạt động của Eximbank đã tăng mạnh hơn 31% lên 2.900 tỉ đồng do trích lập dự phòng hơn 390 tỉ đồng. Theo CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), khoản dự phòng lớn trích lập trong năm có thể liên quan đến vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng. Không tính các khoản này thì chi phí hoạt động tăng khoảng 16%.
Theo thông tin đưa trên các kênh truyền thông, vụ lừa đảo khách hàng của nhân viên Eximbank đã kéo dài trong một thời gian dài một cách bài bản. Nhân viên ngân hàng đã tới tận nhà của khách hàng để thu tiền gửi tiết kiệm, sau đó không ghi nhận khoản tiền gửi này trong hệ thống sổ sách của ngân hàng, nguỵ tạo chữ kí giả của khách hàng để rút tiền từ ngân hàng,... Khách hàng chỉ phát hiện ra vụ việc này khi thực hiện đối chiếu số dư với ngân hàng.
Nghi phạm của vụ án là nguyên Phó giám đốc Chi nhánh của Eximbank đã từ nhiệm từ năm 2017 và biến mất.
HSC cũng cho biết vụ việc lừa đảo này thực chất đã diễn ra nhiều năm trước. Tuy nhiên sau khi hai bên chức năng tiến hành điều tra và các bên liên quan không đạt được thoả thuận chung nào thì mới được đưa ra công luận vào đầu năm 2018.
Hiện Eximbank đang thực hiện các thủ tục tố cáo nhân viên của mình với toà án nhưng vụ việc này càng phức tạp do nghi phạm chính (nguyên Phó Tổng giám đốc Chi nhánh của Eximbank) đã bỏ trốn khỏi Việt Nam từ lâu.
Do đó, HSC cho rằng ngân hàng sẽ tốn nhiều thời gian với các thủ tục tố tụng và có rất ít hi vọng có thể thu hồi lại khoản tiền đã bị chiếm dụng. Trong khi Eximbank vẫn phải tạm ứng đầy đủ các tổn thất cho khách hàng sau khi cơ quan điều tra kết luận rằng ngân hàng có trách nhiệm phải hoàn trả lại tiền cho khách hàng gửi tiền.
Cùng với đó, năm 2018, Eximbank đã phải trích lập hơn 135 tỉ đồng dự phòng cho danh mục trái phiếu có lợi suất thấp khi đánh giá lại theo giá trị thị trường.
Mặc dù Eximbank đã hạch toán đáng kể lãi từ thoái vốn khoản đầu tư vào Sacombank (khoảng 519 tỉ đồng) nhưng việc ghi nhận lỗ 116 tỉ đồng từ đầu tư trái phiếu đã khiến cho lợi nhuận của ngân hàng giảm đáng kể.