|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVNCPC lý giải việc tiền điện tăng đột biến trong tháng 5, tháng 6

07:30 | 28/06/2021
Chia sẻ
Theo EVNCPC việc xác định sản lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình không những phụ thuộc vào việc sử dụng ít hay nhiều mà còn phụ thuộc vào cách thức, thói quen và thời gian, tần suất sử dụng các thiết bị điện.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), hiện nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang bước vào các tháng cao điểm nắng nóng.

Cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên diện rộng, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế người dân ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết, các cơ quan, trường học thay đổi hình thức làm việc và học tập sang trực tuyến,… làm cho nhu cầu sử dụng điện trong các hộ gia đình tăng cao, dẫn đến hóa đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 tăng cao là không thể tránh khỏi.

Một số khách hàng phản ánh việc dùng các thiết bị điện ít hơn so với các tháng trước nhưng tiền điện vẫn tăng cao, Tổng Công ty cho rằng việc xác định sản lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình không những phụ thuộc vào việc sử dụng ít hay nhiều mà còn phụ thuộc vào cách thức, thói quen và thời gian, tần suất sử dụng các thiết bị điện. 

Ngoài ra, các yếu tố khách quan như nhiệt độ ngoài trời, trong nhà, số người sử dụng thiết bị điện,… hoặc một số nguyên nhân khác như chạm chập, rò rỉ điện sau công tơ,… cũng góp phần ảnh hưởng đến sản lượng điện tiêu thụ.

Trong khi đó, nhiều phản ánh nghi ngờ công tơ ghi chỉ số điện chưa chính xác hoặc nhân viên ghi nhầm chỉ số trên đồng hồ khiến tiền điện tăng, EVNCPC cho biết việc quản lý hệ thống đo đếm đã được Nhà nước quy định.

Công tơ được kiểm định ban đầu và định kỳ bởi các đơn vị có chức năng kiểm định. Công tơ không bảo đảm sai số cho phép sẽ không được lắp cho khách hàng.

EVNCPC khẳng định ngành điện rất chú trọng công tác ghi chỉ số công tơ khách hàng bảo đảm tính chính xác vì đó là trách nhiệm của đơn vị bán điện như EVNCPC với khách hàng của mình. 

EVNCPC đã đầu tư, lắp đặt 3,9 triệu công tơ điện tử/hơn 4,4 triệu khách hàng toàn miền Trung-Tây Nguyên. Nhờ hệ thống này, khách hàng có thể vào chương trình để kiểm tra mức tiêu thụ điện của gia đình bất cứ thời điểm nào trong ngày.

"Nếu có những bất thường thì ngành điện và khách hàng đều có thể kịp thời hợp tác, hỗ trợ nhau để tìm ra nguyên nhân. Vì vậy việc ghi nhầm chỉ số điện rất khó xảy ra vì có sự giám sát, kiểm tra từ cả hai phía là bên mua điện là khách hàng và bên bán điện là các công ty điện lực thuộc EVNCPC", đại diện EVNCPC nhấn mạnh.

Để tránh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình kiểm soát chỉ số công tơ khách hàng, ngành điện nói chung và EVNCPC nói riêng rất chú trọng trong thực hiện từng khâu của công tác này. 

Cụ thể, Tổng công ty đã chỉ đạo các công ty điện lực trực thuộc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để giám sát và kiểm soát việc ghi chỉ số công tơ khách hàng như: bố trí lực lượng tiếp nhận và giải quyết triệt để các kiến nghị của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ, sản lượng điện, hóa đơn tiền điện,… 

Đồng thời phân công người trực tăng cường kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật để kịp thời tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách hàng.

Định kỳ hàng ngày rà soát sản lượng điện sử dụng của khách hàng trên chương trình kiểm soát sản lượng điện bất thường, trao đổi và thông tin với khách hàng về tình hình sử dụng điện hoặc trực tiếp hỗ trợ khách hàng tìm nguyên nhân và hướng dẫn giải pháp khắc phục trước kỳ ghi chỉ số (GCS) và phát hành hóa đơn. 

Cập nhật hàng ngày số liệu phúc tra GCS các khách hàng có sản lượng tăng/giảm đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề, các trường hợp sai sót trong công tác GCS, các trường hợp có sản lượng điện sử dụng bất thường đã được trao đổi với khách hàng, kiểm tra xử lý.

Phân định trách nhiệm cụ thể đến từng bộ phận, cá nhân, cán bộ quản lý theo dõi công tác GCS và lập hóa đơn. Và xử lý nghiêm các cá nhân liên quan trong việc ghi sai chỉ số công tơ, lập hóa đơn sai do các nguyên nhân chủ quan mà không phát hiện được, dẫn đến vẫn xác nhận số liệu và lập hóa đơn tiền điện cho khách hàng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.