|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

EVN dự kiến lỗ năm thứ hai, nửa đầu 2023 lỗ gần 30.000 tỷ

19:45 | 11/05/2024
Chia sẻ
Việc lỗ lớn khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới 30/6/2023 của EVN âm 43.845 tỷ đồng.

 Ảnh: EVN.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữa tháng 3 cho biết năm 2023 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao.

Năm qua tập đoàn thông tin đã thực hiện các giải pháp trong nội tại của EVN như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn; tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính; vận hành tối ưu nguồn điện (huy động tối đa nguồn thủy điện, giảm huy động các nguồn nhiệt điện có giá thành cao); triển khai các giải pháp về tài chính như tăng thu tối đa cổ tức từ các đơn vị thành viên và CTCP…

Tuy nhiên trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh tương ứng kịp thời nên không bù đắp được chi phí mua điện. Giá bán lẻ điện bình quân đã được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh 2 lần: lần 1 tăng 3% vào tháng 5/2023 và lần 2 tăng 4,5% vào tháng 11/2023.

Sản lượng thủy điện (là các nguồn điện có giá thành thấp) giảm mạnh so với năm 2022 (giảm khoảng 15,3 tỷ kWh) và kế hoạch đầu năm 2023 (giảm xấp xỉ 8,7 tỷ kWh), chi phí mua điện thị trường điện tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN dự kiến lỗ năm thứ 2 liên tiếp.

Tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022. Giá trị nộp ngân sách năm 2023 toàn tập đoàn ước đạt 21.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, EVN ghi nhận khoản lỗ sau thuế 12.510 tỷ đồng và luỹ kế 6 tháng đầu 2023 lỗ 29.107 tỷ. Việc lỗ lớn khiến khoản lỗ luỹ kế tính tới 30/6/2023 là 43.845 tỷ đồng. 

Riêng báo cáo công ty mẹ của EVN lỗ sau thuế 32.056 tỷ đồng trong hai quý đầu 2023.

Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng, bằng 94,7% so với cuối năm 2022. Trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng, giảm 10,6% sau một năm.

Tính tới hết quý II/2023, tổng dư nợ vay của EVN là 306.169 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn gần 267.072 tỷ. Chi phí lãi vay cho nửa đầu năm ngoái là 8.744 tỷ đồng. 

Năm 2024, EVN đề ra mục tiêu sản lượng điện bán của công ty mẹ là 268,846 tỷ kWh. 

Kế hoạch vốn đầu tư thuần năm nay là 62.461 tỷ đồng; trong đó công ty mẹ là 12.672 tỷ đồng và các công ty con là 49.789 tỷ đồng.

Hoàng Kiều