EU, Mỹ ký thỏa thuận chấm dứt tranh cãi về thịt bò nhập khẩu
Thịt bò được bày bán tại một khu chợ ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện cấp cao về nông nghiệp của EU Phil Hogan cho biết: "Với bước đi này, EU đã tái khẳng định cam kết mở ra một chương mới trong quan hệ với Mỹ."
Căng thẳng giữa các đồng minh đã lên cao sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế thép và nhôm đối với châu Âu và dọa áp thuế đối với xe ôtô.
Thỏa thuận về thịt bò đạt được gần một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cam kết chấm dứt các cuộc trả đũa thuế lẫn nhau và đi đến một thỏa thuận thương mại hạn chế.
Tranh cãi về thịt bò có xử lý hormone giữa Mỹ và EU đã nảy sinh từ năm 1988, khi EU cấm nhập thịt từ các loài động vật bị tiêm hormone tăng trưởng, một thói quen phổ biến trong chăn nuôi ở Mỹ.
Để trả đũa, và dựa vào một phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 1999, Washington đã tăng thuế hải quan đối với một số hàng hóa từ châu Âu, gây ra các cuộc biểu tình tức giận tại Pháp.
Theo thỏa thuận đạt được năm 2009 và sửa đổi năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ trừng phạt và EU cho phép một hạn ngạch nhập khẩu đối với thịt bò "chất lượng cao" không có hormone từ nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Nhưng các nhà sản xuất như Argentina, Australia và Uruguay lại chiếm phần lớn hạn ngạch này, khiến chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải đe dọa tái áp đặt trừng phạt hải quan.
Để đạt thỏa thuận, các nước thành viên EU đã cho phép EC dành cho Mỹ một phần lớn hạn ngạch trên, lên tới 35.000 tấn và sẽ thực thi dần dần trong 7 năm.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp thịt bò của Pháp đã phản đối thỏa thuận này, cáo buộc EC "một lần nữa hy sinh khí hậu, lĩnh vực thịt bò và sức khỏe người tiêu dùng chỉ vì lợi ích thương mại".