EPS năm 2016: Ai lên ngôi, ai bị nốc ao?
CTD cùng dòng thép đột phá
Theo thống kê của Vietstock, dàn doanh nghiệp có EPS trên 10,000 đồng năm 2016 ghi nhận con số 16 đơn vị, tăng khá so với con số 11 của năm 2015.
Với mức EPS đáng ngưỡng mộ 31,101 đồng/cp, Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) chễm chệ ở vị trí đứng đầu toàn thị trường và hầu như không có đối thủ khi cách xa doanh nghiệp đứng vị trí thứ hai là Bến xe miền Tây (WCS) đến 8,700 đồng.
Năm 2016 là một năm quá thành công đối với CTD, chẳng những kết quả kinh doanh, EPS và giá cổ phiếu cùng vươn lên một tầm cao mới mà còn huy động thành công 1,761.9 tỷ đồng từ việc chào bán 11.5 triệu cp với giá ngất ngưỡng 153,520 đồng/cp.
Cụ thể, năm 2016, CTD ghi nhận 20,782 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 52% và lãi ròng 1,421 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước. Theo đó, EPS tăng gấp đôi từ 15,809 đồng lên 31,101 đồng. Giá cổ phiếu cũng tăng mạnh mẽ để đạt mốc trên 200,000 đồng/cp và đang thuộc top các cổ phiếu cao nhất sàn chứng khoán hiện nay.
Nguồn: VietstockFinance
Được hưởng lợi nhiều từ yếu tố ngành, ngành thép năm nay góp mặt đến 3 doanh nghiệp có EPS trên 10,000 đồng/cp là SMC, HPG và NKG.
Đặc biệt nhất chính là Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC), trong khi năm 2015 EPS của đơn vị bị âm 6,643 đồng do khoản lỗ khủng 196 tỷ đồng thì tình thế đã đảo ngược hoàn toàn trong năm 2016 với lãi ròng 362 tỷ đồng và EPS đạt 12,260 đồng. Theo SMC thì sản lượng cùng giá bán tăng và giá vốn giảm mạnh do giá thị trường cao hơn giá thép tồn kho và nhập kho trong kỳ là nguyên nhân tạo ra sự tăng trưởng đáng nể trên. Dẫu vậy, khi đặt ra mục tiêu năm 2017 thì SMC lại khá thận trọng với con số lãi ròng vỏn vẹn 80 tỷ đồng, giảm mạnh so với thực hiện năm vừa qua.
Đối với những đơn vị vốn đã mòn mặt trong danh sách doanh nghiệp có EPS trên 10,000 đồng/cp như PTB, MAS, VCF và BMP thì đều ghi nhận sự tăng trưởng từ 16 – 20%, chỉ riêng NCT thì giảm 15%.
Những cú đảo chiều đầy tổn thương
Gây sóng gió trên thị trường từ nửa cuối năm 2016 với vụ bê bối sai phạm số liệu, không lạ khi Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) chính là cái tên có EPS bị âm nặng nề nhất thị trường hiện nay, âm 16,202 đồng trong khi hai năm trước duy trì mức dương lần lượt 948 đồng và 1,888 đồng. “Nhờ” sự đóng góp của khoản lỗ khủng 1,621.3 tỷ đồng tạo ra trong năm 2016 mà TTF chính thức bị âm vốn chủ sở hữu 195.2 tỷ đồng và cũng có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả kiểm toán không có sự thay đổi.
Nguồn: VietstockFinance
Trường hợp của Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) cũng có EPS giảm mạnh từ 22,349 đồng – mức cao nhất toàn thị trường của năm 2015 – về 4,919 đồng, giảm 78%. Nguyên nhân là do năm 2015, KDC chuyển nhượng 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelēz và ghi nhận doanh thu tài chính trong quý 2 đạt 6,584 tỷ đồng, qua đó đem về lợi nhuận ròng cả năm đột biến lên 5,270 tỷ đồng và cũng đẩy EPS của năm này nhảy vọt. Do vậy, qua năm 2016, Công ty bị hụt phần lớn nguồn thu ở mảng bánh kẹo và phải nhờ đến khoản lợi nhuận 1,200 tỷ đến từ chuyển giao 20% cổ phần mảng bánh kẹo còn lại trong quý 3 để có lãi ròng 1,156.6 tỷ đồng cho năm.
Ngoài ra, Khoan và DV Khoan Dầu khí (HOSE: PVD) cũng là trường hợp hụt mạnh EPS đáng chú ý khi bốc hơi 93% về còn vỏn vẹn 340 đồng.
Một loạt khó khăn như số lượng giàn khoan hoạt động, hiệu suất sử dụng, khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ giảm khiến cho PVD phải nhận lấy kết quả kinh doanh năm 2016 ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, doanh thu và lợi nhuận cùng đổ đèo về 5,360 tỷ đồng và 120.3 tỷ đồng, trong khi năm 2015 lần lượt là 14,444 tỷ đồng và 1,664.2 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
Cuối cùng, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến hai doanh nghiệp ngành ôtô giảm mạnh EPS là Kỹ thuật và Ôtô Trường Long (HOSE: HTL) và Ô tô TMT (HOSE: TMT). Trong đó, HTL từ mức EPS trên 10,000 đồng năm 2015 rớt xuống còn 4,523 đồng trong năm 2016, giảm đến 73% và TMT thì giảm 76% để về mức EPS 1,502 đồng.
Với HTL, sau hai năm sôi động nhờ chính sách kiểm soát tải trọng của Nhà nước, thị trường của dòng xe thương mại trở nên bão hòa trong năm 2016 và vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu Trung Quốc, Hà Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, nhà phân phối Hino Motors Vietnam áp dụng một số thay đổi về chính sách giá bán, chính sách thưởng ảnh hưởng đến sản lượng bán hàng của xe tải Hino trong năm 2016 của HTL. Qua đó, doanh thu thuần năm qua chỉ đạt 1,217.3 tỷ đồng, giảm 29% và lãi ròng giảm 61% còn 53 tỷ đồng.
Cùng chịu ảnh hưởng của yếu tố ngành bão hòa, TMT không khá khẩm hơn bao nhiêu khi lãi ròng năm 2016 lao dốc 74% xuống 48.5 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/