Elon Musk mua Twitter là một trong những thương vụ đội giá nhất lịch sử
Thương vụ Twitter – Elon Musk đang đi đến hồi kết. Ngày 28/10, theo một số nguồn tin, Elon Musk đã thành công trong việc tiếp quản Twitter. Cùng thời điểm này, Giám đốc điều hành Twitter, Parag Agrawal và Giám đốc tài chính Ned Segal của Twitter đã rời trụ sở chính tại San Francisco.
Bỏ qua tất cả giai đoạn căng thẳng với những cuộc tranh đấu lẫn nhau, sau nhiều tháng đấu khẩu qua lại “kịch tính” trên mạng xã hội, Twitter và Elon Musk đã đồng ý với các điều khoản, một phần nhờ tòa án Delaware, theo tạp chí Fortune.
Vào thời điểm thương vụ dần ngã ngũ, nhà phân tích công nghệ Dan Ives của Wedbush Securities đã đưa ra cảnh báo rằng những điều khoản của hợp đồng giao dịch không thực sự thuận lợi cho người đàn ông giàu nhất thế giới.
“Theo quan điểm của chúng tôi, mức giá 44 tỷ USD mà Elon Musk trả để thâu tóm Twitter sẽ trở thành một trong những thương vụ M&A ngành công nghệ có giá trị lớn nhất lịch sử. Thực sự việc mua lại Twitter của Musk vẫn là một vấn đề lớn”, chuyên gia Dan Ives chia sẻ.
Ông lập luận rằng giá trị hợp lý của Twitter chỉ rơi vào khoảng 25 tỷ USD, có nghĩa là Musk đã trả thừa khoảng 19 tỷ USD. CEO Tesla đã mất rất nhiều tháng để hoàn thành việc mua lại Twitter, nhưng công việc thực sự mới chỉ bắt đầu.
“Như chúng ta đã thảo luận, phần dễ đối với Musk là mua lại Twitter, trong khi phần khó đối với ông ấy sẽ nằm ở phần sau, khi Musk cần phải đưa ra những hành động để khắc phục đống rắc rối sau khi thâu tóm Twitter”, Ives chia sẻ.
Twitter đã không thực sự đạt được bước tiến của mình trong những quý gần đây. Lợi nhuận của công ty trong quý II đã không đạt được mức kỳ vọng của giới phân tích Phố Wall, đồng thời cũng chứng kiến doanh thu giảm 1% xuống 1,18 tỷ USD. Ban giám đốc Twitter đổ lỗi cho kết quả kém là do "những trở ngại của ngành quảng cáo liên quan đến môi trường vĩ mô”
Tham vọng tạo ra siêu ứng dụng của Elon Musk bắt đầu từ nền móng Twitter
Kể từ khi Twitter kiếm được gần 90% doanh thu từ quảng cáo vào năm 2021, Elon Musk rõ ràng đang muốn cắt giảm công việc của mình để đưa công ty hoạt động trên tất cả các lĩnh vực trụ cột. Tỷ phú người Nam Phi cũng có thể cải thiện đáng kể lợi nhuận của công ty mà ông mới thâu tóm bằng cách cắt giảm nhân sự. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi trong một số ngày qua, đã xuất hiện thông tin CEO Tesla muốn sa thải 75% nhân viên Twitter khi ông chính thức lên tiếp quả công ty.
Bloomberg sau đó đã báo cáo rằng thông tin Musk muốn sa thải 75% nhân viên Twitter chỉ là tin đồn. Musk nói với nhân viên Twitter rằng ông không có kế hoạch cắt giảm 75% lực lượng lao động vào ngày đầu tiên làm việc tại văn phòng, theo các nguồn tin giấu tên.
Giám đốc điều hành Tesla và hiện là “Giám đốc điều hành” của Twitter cũng nói rằng ông có kế hoạch tăng gấp đôi doanh thu của Twitter trong vòng ba năm. Chuyên gia Dan Ives, ngược lại, vẫn tỏ ra hoài nghi về mục tiêu này của Elon Musk và khẳng định hiện tại mọi thứ vẫn còn đang “mờ mịt”.
Musk đã đưa ra các đề xuất khác nhau về cách mà ông có thể giúp Twitter tăng doanh thu, bao gồm thay đổi ban lãnh đạo của công ty để tạo ra một “siêu ứng dụng” mới, thứ mà ông gọi là ứng dụng “X”.
“Mua Twitter là chất xúc tác để tạo ra “X”, một siêu ứng dụng với đầy đủ mọi tính năng”, Elon Musk đăng tải trên trang Twitter cá nhân vào ngày 4/10, đồng thời nói thêm rằng việc mua lại có thể đẩy nhanh quá trình tạo ứng dụng lên đến 5 năm.
Ứng dụng “X” sẽ được mô phỏng theo “siêu ứng dụng” WeChat của Trung Quốc, bao gồm mọi tính năng, từ trò chuyện video và nhắn tin đến phát trực tuyến và thanh toán. Cho đến nay, Musk vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về tiến trình tạo ra ứng dụng “X” hoặc liên kết của nó với Twitter.
Dan Ives lập luận rằng việc hoàn tất thương vụ mua lại Twitter sẽ dẫn đến nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời trong những tháng tới, đặc biệt là xung quanh tương lai của ứng dụng “X”.
“Khi Elon Musk chính thức lên tiếp quản Twitter, các câu hỏi chính sẽ vẫn xoay quanh những thay đổi đối với nền tảng, nỗ lực kiếm tiền, việc cắt giảm nhân sự và chiến lược dài hạn xung quanh siêu ứng dụng “X”, chuyên gia Dan Ives nhấn mạnh.
Tỷ phú người Nam Phi đã đưa ra một tuyên bố trên Twitter vào ngày 27/10, cố gắng làm rõ lý do đằng sau việc mua lại công ty, lập luận rằng ông hy vọng sẽ tạo ra một “thị trấn kỹ thuật số, nơi có nhiều niềm tin có thể được tranh luận một cách lành mạnh”.
“Đó là lý do tôi mua Twitter. Tôi không mua Twitter vì điều đó quá dễ dàng, tôi cũng không mua Twitter để kiếm thêm tiền. Tôi làm điều đó để cố gắng giúp đỡ nhân loại, những người mà tôi yêu quý”, CEO Tesla chia sẻ trên trang Twitter cá nhân.