|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

ECB giữ nguyên lãi suất, thông báo sắp thu hẹp bảng cân đối kế toán

21:42 | 14/12/2023
Chia sẻ
Hôm 14/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách lần thứ hai liên tiếp và phát tín hiệu sẽ sớm thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán.

 

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. (Ảnh: Getty Images).

Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 12, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn, lần thứ hai liên tiếp trong năm nay. Bên cạnh đó, các quan chức ECB còn hạ dự báo tăng trưởng GDP và công bố kế hoạch thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán.

Lãi suất chuẩn tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đang được giữ ở mức cao kỷ lục là 4%. Trong tuyên bố chính sách, ECB nhấn mạnh: “Các quyết định trong tương lai của Hội đồng Quản trị sẽ đảm bảo rằng lãi suất vẫn ở mức hạn chế trong khoảng thời gian cần thiết”.

Trước đó, thị trường tài chính dự đoán ECB sẽ không thay đổi lãi suất do lạm phát tại khu vực đồng euro đã giảm mạnh. Thay vào đó, các nhà đầu tư đang theo dõi tín hiệu về đợt hạ lãi suất đầu tiên và kế hoạch thắt chặt định lượng của ECB.

Theo ước tính của ECB, GDP thực trong khu vực sẽ tăng trung bình 0,6% trong năm 2023, thấp hơn dự báo trước đó là 0,7%. GDP sẽ đi lên 0,8% vào năm 2024, thấp hơn ước tính ban đầu là 1%. Dự báo cho năm 2025 không đổi, ở mức 1,5%.

Các quan chức dự đoán lạm phát sẽ ở mức 5,4% vào năm 2023, 2,7% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025. Trước đó, họ ước tính lạm phát cho các năm 2023, 2024 và 2025 lần lượt là 5,6%, 3,2% và 2,1%.

ECB thông báo các khoản tái đầu tư theo chương trình mua trái phiếu khẩn cấp thời đại dịch (PEPP) sẽ chấm dứt vào cuối năm 2024. Quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra từ từ. Trong nửa cuối năm 2024, trung bình mỗi tháng danh mục trái phiếu của PEPP sẽ giảm 7,5 tỷ euro (tương đương 8,2 tỷ USD).

Lạm phát tại khu vực đồng euro đã giảm đáng kể từ mức cao 10,6% hồi tháng 10/2022 xuống còn 2,4% trong tháng 11, CNBC thông tin.

Mục tiêu lạm phát 2% đang trong tầm tay của ECB, ngay cả khi một số quan chức lưu ý rằng áp lực tiền lương và biến động trên thị trường năng lượng có thể khiến lạm phát đi lên.

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, nhà đầu tư đã bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh ECB hạ lãi suất vào năm tới. Một số nhà phân tích dự đoán ngân hàng trung ương này có thể cắt giảm lãi suất trước mùa hè.

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn khẳng định rằng còn quá sớm để đề cập đến việc hạ lãi suất. Bà nhấn mạnh các quan chức cần phải theo dõi sát sao các dữ liệu quan trọng về tiền lương vào đầu năm tới.

Trước cuộc họp của ECB một ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ ba liên tiếp. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ có ít nhất ba đợt giảm lãi suất vào năm 2024.

Khả Nhân

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).