Duyệt quy hoạch chung không gian ngầm đô thị Hà Nội hơn 121.000 ha
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, khu vực nghiên cứu chính là đô thị trung tâm TP Hà Nội, thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì và Thường Tín.
Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.
Về ranh giới, đô thị trung tâm giới hạn bởi phía bắc giáp sông Cà Lồ, phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, các phía Tây, tây nam và phía nam giáp đường vành đai 4. Diện tích nghiên cứu khoảng 75.600ha (756 km2).
Các đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Hoà Lạc có ranh giới xác định theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng các đô thị vệ tinh đã được UBND TP Phê duyệt. Tổng diện tích khoảng 46.164 ha (461 km2).
Về phân vùng chức năng để xây dựng công trình ngầm, theo chiều ngang, trong đô thị trung tâm các khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm khu vực nội đô (nội đô lịch sử và nội đô mở rộng); khu vực phát triển mới cao tầng tại Bắc sông Hồng và chuỗi đô thị Đông vành đai 4, các dự án trong vành đai xanh và tại các trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, Tây Hồ Tây, Hồ Tây - Cổ Loa và khu vực dọc theo hành lang các tuyến đường sắt đô thị.
Theo chiều đứng thành ba lớp. Lớp nông từ 0 đến 5 m, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình, các tuyến hầm đi bộ; lớp trung bình 5 - 15 m xây dựng các công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm; lớp sâu từ 15 - 30 m xây dựng hệ thống giao thông ngầm, đường sắt đô thị, tuy nen kỹ thuật chính.
Vùng hạn chế xây dựng công trình ngầm là khu phố Cổ Hà Nội.
Về giao thông ngầm, các tuyến giao thông đường bộ ngầm chủ yếu bố trí tại các nút giao thông khác mức, các quảng trường, qua các khu vực công trình đầu mối sân bay, đường sắt quốc gia (sân bay Gia Lâm, khu vực ga Hà Nội, ga Ngọc Hồi, ga Giáp Bát…).
Mạng lưới đường sắt đô thị ngầm gồm: các tuyến số 2, 3, 4, 5, 7 và 8 xây dựng kết hợp giữa đi trên cao, trên mặt đất và đi ngầm với tổng chiều dài phần xây dựng ngầm khoảng 86,5 km và 81 ga ngầm trên các tuyến.
TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - Thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành trước đây.