Đường ven biển đánh thức kinh tế vùng
Từ khi con đường ven biển ở các tỉnh, thành miền Trung được hình thành, nhiều vùng đất ven biển cát trắng vốn khó khăn trước đây nay đã thực sự thay da đổi thịt.
Đường đến đâu, dự án mở đến đấy
Tuyến đường ven biển 129 nối TP Tam Kỳ với Hội An (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng được hình thành đã tạo nên một diện mạo mới cho Quảng Nam. Nơi đây, gần một năm trước, khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng đã được đưa vào khai thác, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD cũng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đưa vào hoạt động.
Nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng mọc lên tại vùng cát trắng Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Ông Phạm Ân, Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, cho biết con đường ven biển 129 được hình thành cùng với việc cuối năm 2018 Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai đã hấp dẫn các doanh nghiệp đến đầu tư tại các khu vực ven biển Quảng Nam.
Cách đó không xa, các xã ven biển khu Đông Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) 10 năm trước còn rất khó khăn, đất đai khô cằn nhưng rồi những con đường huyết mạch thênh thang được xây dựng đã tạo cho vùng đất nơi đây một diện mạo mới, đời sống hàng ngàn người dân được đổi thay. Đặc biệt, kể từ khi tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh kết nối với các tỉnh Quảng Nam và Bình Định được xây dựng, rất nhiều dự án lớn cũng được đầu tư, đưa vùng đất ngày xưa vốn là những đồi cát trắng "cất cánh".
Ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn - cho biết từ khi có nhiều tuyến đường ven biển được đầu tư xây dựng, hàng trăm công trình, dự án lớn cũng đầu tư đi vào hoạt động như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan, cảng nước sâu Dung Quất..., đem lại nguồn thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. Riêng tại Khu Kinh tế Dung Quất hiện nay, ngoài hàng trăm dự án đi vào hoạt động, có 311 dự án được đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 12 tỉ USD, giải quyết việc làm cho hơn 40.000 lao động.
Kỳ vọng tương lai
Trước đây, dọc ven biển Đà Nẵng từ bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vào TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) chỉ là những bãi cát trắng hoang vu, không có lối đi. Từ khi trục đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa nối Sơn Trà đến TP Hội An hình thành, hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên và được ví là "con đường tỉ đô".
Đường ven biển tỉnh Bình Định trải dài từ xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn đi qua các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và điểm cuối cùng là thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn đã tạo nên sự thay da đổi thịt kỳ diệu cho những vùng đất này. Ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định, tự hào khẳng định các địa phương ven biển của tỉnh đã từng bước thoát khỏi khó khăn, trong đó nhiều xã có mức phát triển kinh tế vượt bậc.
Vừa qua, tỉnh Bình Định đã được trung ương đồng ý cho triển khai dự án mở rộng, nâng cấp đường ven biển từ đường cấp 6 thành đường cấp 3 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Một tuyến đường khác vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư là Cát Tiến - Đề Gi đã thu hút hàng loạt dự án du lịch ven biển.
Tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục triển khai mở tuyến đường ven biển nối từ TP Tam Kỳ đi sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành) và tỉnh Quảng Ngãi. Tuyến đường này dài 28 km, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.470 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kỳ vọng sau khi hoàn thành toàn bộ tuyến đường ven biển, khớp nối giữa tỉnh Quảng Nam với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo sức bật để kinh tế 3 địa phương nói riêng và miền Trung nói chung phát triển đột phá.
Tỉnh Quảng Trị cũng đang triển khai xây dựng dự án đường nối Khu Kinh tế Đông Nam đến cảng Cửa Việt với chiều dài toàn tuyến hơn 23 km, đi qua 7 xã của 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng. Theo ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị, tuyến đường này đóng vai trò như "xương sống" của Khu Kinh tế Đông Nam và sẽ được quy hoạch thành tuyến đường ven biển nối với tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Kết nối phát triển du lịch
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, với định hướng chiến lược của quốc gia, xem kinh tế biển và du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nhân tố quyết định đến quá trình phát triển vùng, toàn vùng thì sự hình thành một tuyến đường du lịch chạy dọc ven biển, kết nối các tuyến, điểm đến, khu du lịch trong vùng với nhau là không thể thiếu.