Đường sắt Việt Nam tốc độ cao qua giải trình của Bộ Giao thông
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội dự kiến nội dung tiếp thu và giải trình ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét dự án luật này trong phiên họp tháng 9 vừa qua.
Tại đây, một số ý kiến đề nghị làm rõ sự phù hợp với chủ trương của Đảng và quy hoạch chung của các quy định về đường sắt tốc độ cao trong dự thảo luật.
Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang làm trước
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, phát triển đường sắt tốc độ cao đã được xác định trong chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Cụ thể, tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11 đã nêu: “Trên cơ sở quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với lộ trình phù hợp”.
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 tại hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 cũng nêu: “Nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp”.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt theo đó đến năm 2020 nghiên cứu các phương án xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam.
Trong đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và Tp.HCM như đoạn Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang.
Giai đoạn đến năm 2030 triển khai xây dựng mới một số đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao theo khả năng huy động vốn. Phấn đấu đến năm 2050 hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Báo cáo giải trình cũng cho biết, theo kinh nghiệm phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc, khi Luật Giao thông đường bộ 2008 được ban hành, tại Việt Nam chưa xuất hiện loại hình đường bộ cao tốc. Nhưng trong luật cũng đã có quy định một số nội dung liên quan đến đường cao tốc để làm cơ sở pháp lý cho việc kêu gọi đầu tư, xây dựng và phát triển đường cao tốc sau này.
Đến nay, hệ thống đường bộ cao tốc đã và đang phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Vì vậy, việc bổ sung một số quy định về đường sắt tốc độ cao trong dự thảo luật là cần thiết để có cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này, cơ quan giải trình nhấn mạnh.
Tốc độ từ 200 km/h, khổ đường 1.435 mm
Ý kiến đề nghị cần quy định loại hình công nghệ cho đường sắt tốc độ cao cho thuận tiện trong việc chuyển giao công nghệ, bảo trì, sửa chữa loại hình đường sắt này cũng được cơ quan chủ trì soạn thảo luật giải trình.
Theo đó, đường sắt tốc độ cao là loại hình đường sắt tiên tiến, hiện đại, yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật an toàn rất khắt khe. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới có loại hình đường sắt tốc độ cao như: Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... với những công nghệ, yêu cầu kỹ thuật khác nhau, tùy thuộc vào trình độ khoa học - kỹ thuật và trình độ quản lý của mỗi nước. Đồng thời công nghệ đối với đường sắt tốc độ cao ngày càng một tiến bộ và thay đổi.
Đối với mỗi một dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao đòi hỏi phải có phương án thiết kế, công nghệ áp dụng, công nghệ, thiết bị áp dụng đảm bảo hiện đại, tiên tiến theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Báo cáo cho biết, việc lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy trình bảo trì phải đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và được so sánh lựa chọn tại bước lập báo cáo đầu tư trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải là trong chương đường sắt tốc độ cao chỉ nêu những yêu cầu mang tính nguyên tắc, bắt buộc, ổn định mà mọi đường sắt tốc độ cao phải có như: chính sách phát triển; các yêu cầu chung về công trình, phương tiện, thiết bị, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đất dành cho đường sắt tốc độ cao, chuyển giao công nghệ; yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng về công trình, hệ thống cung cấp điện, hệ thống quản lý điều hành, thông tin chỉ dẫn hành khách; về quản lý bảo trì, kinh doanh đường sắt tốc độ cao và quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật đã bổ sung quy định: "Đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên; có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/