|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cần điều kiện gì để chạy chính thức?

03:16 | 11/09/2019
Chia sẻ
Dự kiến tháng 10/2020, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng đoạn trên cao và vận hành từ tháng 4/2021.
avatar_1568128369298

Phối cảnh dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến hoàn thành xây dựng đoạn trên cao vào cuối năm 2019, các nhà ga trên cao và công trình Depot vào tháng 10/2020. 

Hiện đoàn tàu của dự án đang được chế tạo tại Pháp để đưa về nước vào tháng 7/2020, phục vụ mục tiêu đưa đoạn trên cao vào vận hành tháng 4/2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022.

Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết thêm, khi về Việt Nam, đoàn tàu sẽ được vận hành thử nghiệm và tích hợp hệ thống đến khi đạt yêu cầu và bảo đảm chất lượng sẽ được đưa vào khai thác. Các đoàn tàu được thiết kể sử dụng năng lượng điện, tốc độ thiết kế 80km/h, còn tốc độ khai thác 35km/h; mỗi đoàn tàu chở 850 - 950 khách.

Theo ông Nguyễn Ân, chuyên gia kỹ thuật đường sắt, để dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đưa vào khai thác chính thức phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng gồm (tuyến, nhà ga, Depot, trung tâm điều khiển, hệ thống kiểm soát vé...). 

Ngoài ra, bộ máy nhân lực trực tiếp quản lý khai thác vận hành dự án phải được đào tạo, được Cục Đường sắt VN cấp chứng chỉ nghề (như lái tàu, nhân viên điều độ chạy tàu).

“Hệ thống đường sắt đô thị phải được thử nghiệm, sau khi được cơ quan quản lý nhà nước cấp chứng nhận an toàn hệ thống, được Hội đồng Nhà nước nghiệm thu mới có thể vận hành chính thức”, ông Nguyễn Ân cho biết.

img-6857-1568111737-width731height565

Hiện dự án đang trong giai đoạn xây dựng lắp đặt ray trên tuyến và kết cấu tuyến nhà ga, Depot

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, các đoàn tàu dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội trước khi đưa vào vận hành phải được Cục Đăng kiểm VN kiểm định, cấp chứng nhận đăng kiểm. Cùng đó, sau khi được Cục Đăng kiểm thẩm định, cấp chứng nhận an toàn đối với hệ thống, hệ thống đường sắt này mới được phép đưa vào khai thác, phục vụ hành khách.

Không chỉ đoàn tàu, theo quy định hiện hành, đường sắt đô thị xây dựng mới trước khi đưa vào khai thác phải được đánh giá đạt và được cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Việc đánh giá an toàn hệ thống do một tổ chức độc lập và có năng lực thực hiện đánh giá và chứng nhận. 

Trường hợp còn khiếm khuyết, không đạt tiêu chuẩn của hệ thống, dự án phải khắc phục, bổ sung. Trên cơ sở hồ sơ được chứng nhận an toàn, Cục Đăng kiểm VN thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn để đưa dự án vào vận hành.

Cũng theo Cục Đăng kiểm VN, hệ thống đường sắt đô thị phải được chứng nhận an toàn ở 6 nội dung: Độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn đối với các hệ thống (tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống cung cấp điện sức kéo; cửa chắn ke ga); Phương án sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Sự tương thích điện từ; Sự tích hợp hệ thống; Thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống; hệ thống quản lý an toàn vận hành.

"Thời gian kiểm định đoàn tàu, thẩm định để cấp chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị được thực hiện theo đề nghị của chủ đầu tư dự án", đại diện Cục Đăng kiểm VN thông tin.

H.Lộc