Đường sắt Cát Linh lại vận hành thử: Cố tình kéo dài để tránh trách nhiệm?
Ngày 29/10, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, theo đề cương vận hành thử hệ thống tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày theo tiêu chuẩn thiết kế để phục vụ đánh giá, nghiệm thu dự án.
Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay chưa xác định được thời điểm vận hành thử toàn hệ thống tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
“Hiện tổng thầu đang tiếp tục đào tạo, hướng dẫn thực hành các bộ phận nhân sự chuyên ngành của dự án để tiến tới vận hành thử toàn hệ thống. Thời gian vận hành thử toàn hệ thống sẽ liên tục trong 20 ngày, song hiện chưa xác định thời điểm bắt đầu vận hành thử”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.
Theo đó, các nhà ga đều có nhân viên ứng trực tại phòng điều khiển, phòng bán vé; các bảng điện tử, loa phát thanh hoạt động để hướng dẫn người đi tàu. Mỗi ngày có từ 6-9 đoàn tàu vận hành liên tục trên tuyến. Thời gian vận hành trong đợt này sẽ kiểm chứng độ an toàn hệ thống và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên Việt Nam.
“Tuy nhiên, hiện chưa xác định thời điểm bắt đầu vận hành thử. Tổng thầu đang tiếp tục đào tạo, hướng dẫn thực hành các bộ phận nhân sự chuyên ngành của dự án để tiến tới vận hành thử toàn hệ thống,” đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.
Chỉ vì 1% công việc chưa hoàn thành mà không thể đưa dự án vào khai thác là hiện tượng rất lạ. Nhưng đó là sự thật ở tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ngay giữa trung tâm Hà Nội.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội - đơn vị tiếp nhận khai thác dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cũng cho biết, nhân sự của đơn vị này cũng đang được chuyên gia đào tạo thực hành, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khai thác theo chương trình của dự án. Đến nay, chưa có kế hoạch về vận hành thử toàn hệ thống.
Hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% hạng mục nhưng vì một số lý do vẫn chưa thể đưa vào vận hành thương mại. Vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 97% khối lượng thiết bị; đã vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu.
Đề nghị thành lập hội đồng độc lập kiểm định dự án Cát Linh-Hà Đông
Theo báo cáo của Bộ GTVT, nguyên nhân chính của việc chậm trễ là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang tiếp tục yêu cầu Tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp).
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT phải có trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm trước việc không đưa được dự án Cát Linh-Hà Đôngvào hoạt động.
Tại buổi kiểm tra và làm việc về các dự án đường sắt vào đầu tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tiến độ hoàn thành như thế là quá chậm vì vậy đề nghị Tổng thầu phía Trung Quốc, Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan phối hợp xem xét đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào sử dụng, khai thác trong năm nay.
Chỉ rõ trách nhiệm chính trong sự chậm trễ của dự án này là từ nhà thầu, chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đường sắt của Bộ GTVT) cùng phía tư vấn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, đưa dự án vào sử dụng với điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tiến độ hoàn thành như thế là quá chậm vì vậy đề nghị Tổng thầu phía Trung Quốc, Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan phối hợp xem xét đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào sử dụng, khai thác trong năm nay.
Liên quan tới dự án, trong thông tin cung cấp mới đây, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cho biết từ năm 2008 khi được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị này đã phát hiện việc thực hiện dự án trên cao là không phù hợp với điều kiện, khí hậu, gây tốn kém, không phát huy hết được hiệu quả của dự án.
Còn đơn vị tư vấn Pháp chỉ ra vướng mắc nằm ở việc thiếu hồ sơ, hồ sơ chưa đầy đủ và xem đây là nguyên nhân để mất thêm nửa năm hoặc lâu hơn nữa mới đưa được tuyến đường vào vận hành.
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với nhận định trên, TS Nguyễn Xuân Thủy- chuyên gia giao thông cho rằng đó là những lý do rất kỳ lạ.
Theo ông Thủy, việc bổ sung các hồ sơ rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian vì chúng ta đã có máy móc, kỹ thuật rất hiện đại, đo đạc, đánh giá dễ dàng, nhanh chóng. Theo tính toán của ông Thủy, việc hoàn thiện này chỉ diễn ra trong khoảng từ nửa tháng tới một tháng, không thể kéo dài tới nửa năm hay vài năm như cảnh báo.
Từ băn khoăn trên, TS Nguyễn Xuân Thủy đặt nghi vấn về sự chậm trễ đưa dự án vào khai thác có thể do liên quan tới yếu tố kỹ thuật hoặc có sự bắt tay, cố tình kéo dài thời gian để trốn trách nhiệm.
Từ góc độ cá nhân, ông Thủy đề nghị thành lập hội đồng kiểm định dự án độc lập để làm cho rõ, trả lời cho rõ lý do vì sao dự án đã hoàn thiện tới 99%, chỉ còn 1% chưa hoàn thiện mà dự án mãi không thể đưa vào khai thác thương mại.
"Nếu là do công nghệ, thiết bị lạc hậu, nguy cơ không bảo đảm an toàn, dễ gây cháy nổ, tai nạn, dầm trụ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật hay còn vì lý do gì cũng phải được nói rất rõ ràng, trả lời rất rõ ràng để dư luận được biết.
Bộ GTVT phải có trách nhiệm trong chuyện này, phải chịu trách nhiệm trước việc không đưa được dự án vào hoạt động", ông Thủy nói.
Chỉ vì 1% công việc chưa hoàn thành mà không thể đưa dự án vào khai thác là hiện tượng rất lạ. Nhưng đó là sự thật ở tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ngay giữa trung tâm Hà Nội.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng tương đương 552 triệu USD. Quá trình thực hiện dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,4 triệu USD.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã phải tăng tổng mức đầu tư từ gần 8.770 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng, điều chỉnh tiến độ 4 lần. Ban đầu, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ 2008-2013, sau 4 lần điều chỉnh, dự kiến hoàn thành 2018, vận hành, chạy thử đến hết 31/3/2019. Nhưng đến nay, sau cả chục lần lỗi hẹn vẫn chưa xác định được chính thức thời gian hoàn thành dự án.