|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dưới trướng Don Lam - nhà tài phiệt trong Hồ sơ Paradise, VinaCapital chia tay bất động sản, kiếm lời lĩnh vực mới

13:30 | 01/12/2017
Chia sẻ
10 tháng đầu năm, VinaCapital vẽ lên một bức tranh đa sắc từ hoạt động kinh doanh của các quỹ khi chia tay khỏi một loạt dự án bất động sản, làm bạn với lĩnh vực tiêu dùng cho đến hàng không, ngân hàng.
duoi truong don lam nha tai phiet trong ho so paradise vinacapital chia tay bat dong san kiem loi linh vuc moi
Dưới trướng Don Lam, nhà tài phiệt ghi tên trong Paradise, VinaCapital chia tay một số dự án bất động sản, kiếm lời ở lĩnh vực mới. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Mới đây, Hồ sơ Paradise phanh phui những người giàu nhất thế giới, ông Don Lam có tên trong danh sách này cùng với Taylor - Brook Colin, Giám đốc Điều hành Tập đoàn VinaCapital.

Là CEO và đồng sáng lập, ông Don Lam đã đưa VinaCapital hiện diện phía sau các nhãn hàng quen thuộc trong đời sống từ sữa tươi Vinamilk, trang sức PNJ, nhà đất Khang Điền, nội thất Hoà Phát, nhà băng Eximbank, bán lẻ FPT Retail… cho đến hãng máy bay mang “thương hiệu bikini nóng bỏng” Vietjet.

Hiện VinaCapital là một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, danh mục đầu tư lên đến 1,8 tỷ USD trải rộng nhiều lĩnh vực với các quỹ như VOF, VNL, VVF, VESAF...

Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF).

Ông Andy Ho hứng khởi: “Năm tài chính 2017 là một năm đáng mừng cho VOF”.

duoi truong don lam nha tai phiet trong ho so paradise vinacapital chia tay bat dong san kiem loi linh vuc moi
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành của Quỹ VOF.

Quỹ ghi nhận mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) trên cổ phiếu đạt 26% và giá cổ phiếu tăng 36% so với đầu năm. Vào thời điểm 21/11/2017, NAV của quỹ đạt 954,4 triệu USD.

Tính trong 6 tháng đầu năm, VOF thu về khoản tiền mặt trị giá 100 USD triệu tiền mặt từ việc thoái vốn các công ty; 126 triệu USD từ bán dự án bất động sản; 220 triệu USD được triển khai vào các khoản đầu tư tư nhân và vốn cổ phần công, thoả thuận cá nhân, trái phiếu.

Quỹ VinaLand Limited (VNL).

CEO David Blackhall bình luận về cơ hội về bất động sản trong tương lai, ông xác định ba lĩnh vực mà NVL quan tâm là phân khúc nhà kho, một phân khúc tuy nhỏ nhưng có sự tăng trưởng, sẽ mang lại lợi nhuận cao nhờ sự phát triển của ngành sản xuất; tài sản đất đai, một phân khúc có nhu cầu ổn định; và khu vực hỗn hợp ven biển sẵn sàng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

VCG Partners Vietnam Fund (VVF) và Vietnam Equity Special Access Fun (VESAF).

Tính đến thời điểm 29/9/2017, NAV của quỹ tăng 18,6% so với đầu năm, xoay quanh con số 77 triệu USD.

Với ưu thế về các công ty trong ngành cơ sở hạ tầng, xây dựng, vật liệu xây dựng, dịch vụ tiện ích, bán lẻ, CEO VVF Thu Nguyễn cho rằng những cơ hội trên thị trường bắt nguồn từ việc ngành bán lẻ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Còn VESAF đầu tư vào thị trường OTC và chứng khoán niêm yết tại Việt Nam. Do có trụ sở chính tại Việt Nam, nên quỹ không phải chịu sự hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Hiện các cổ phiếu vừa và nhỏ chiếm 59% danh mục đầu tư của VESAF.

DFJ VinaCapital Fund (DFJV).

CEO Phúc Thân của DFJV chỉ ra từ thành công của hai quỹ đầu tư Chicilon và Yeah1, cách thức vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã phát triển trong suốt thập kỷ qua. Các nhà đầu tư châu Á đều hướng sự quan tâm vào vào lĩnh vực công nghệ. VinaCapital cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi sẽ khởi động một quỹ vào đầu năm 2018, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ đang rất nóng này.

10 tháng đầu năm, VinaCapital chia tay loạt dự án bất động sản

Từ đầu năm, Công ty Pacific Alliance Land Limited thuộc VinaCapital quyết định nhượng lại dự án “đất vàng” 152 Trần Phú, quận 5, TP HCM. Được biết, 62% vốn cổ phần của Pacific Alliance Land tại Công ty TNHH Vina Alliance - chủ đầu tư khu phức hợp Vinasquare Trần Phú, đã được trao tay cho nhà đầu tư khác.

Đến Giữa tháng 4, cả hai quỹ VOF và VNL tiếp tục rút chân khỏi “Hòn ngọc phía Đông” – dự án Đại Phước Lotus và thu về 65 triệu USD. Cả ông David Blackhall và ông Andy Hồ đều đánh giá đây là cột mốc quan trọng trong chiến lược hiện tại nhằm giảm thiểu các khoản đầu tư bất động sản trực tiếp và cho phép các quỹ tìm kiếm cơ hội mới trong các lĩnh vực của thị trường, đặc biệt là đối với VOF, tập trung cho các giao dịch thương mại tư nhân và đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp OTC.

Nước cờ rút lui tiếp theo tại Times Square Hà Nội, VNL dứt áo ra đi sau gần 10 năm đầu tư. Times Square là dự án đa mục đích sử dụng được cam kết vốn đầu tư 50 triệu USD, khởi công từ thời năm 2008 tuy nhiên đã ngừng trệ từ sau đó. VNL đã bán toàn bộ cổ phần nắm giữ tại dự án Times Square cho nhà đầu tư nước ngoài Elite Capital Resources Limited. Giao dịch mang về xấp xỉ 41 triệu USD doanh thu thuần cho VNL, tương đương với tỷ lệ hoàn vốn nội bộ 5,3%.

Mới đây, VNL lại nhận về 15,8 triệu USD khi thoái vốn khỏi khu đô thị Phú Hội, Đồng Nai, nằm ngay “điểm vàng” kết nối toàn bộ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc thoái vốn dự án này có tổng giá trị bằng 2% so với giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ NVL chưa được kiểm toán vào 30/9/2017. Trong một báo cáo riêng, dự án Phú Hội chiếm 9,7% NAV, rơi vào khoảng 22 triệu USD trên tổng số 227,4 triệu USD.

Mặt khác, ba quỹ của VinaCapital đã phủi tay thoái sạch hơn 29,4 triệu cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai, gom về hơn 250 tỷ đồng. Cụ thể, VOF Investment Limited bán gần 9,5 triệu cổ phiếu QCG (tương đương 3,45% vốn); Asia Investment & Finance Limited bán khoảng 2,87 triệu cổ phiếu (1,04%); VOF PE Holding 5 Limited bán nhiều nhất với hơn 17 triệu cổ phiếu (6,2%).

VinaCapital hứng thú “thương hiệu máy bay bikini nóng bỏng” của Vietjet, nhà băng OCB, bán lẻ FPT Retail…

duoi truong don lam nha tai phiet trong ho so paradise vinacapital chia tay bat dong san kiem loi linh vuc moi
(Ảnh: Quỳnh Trang)

Từ cuối năm 2016, VinaCapital đầu tư 20,5 triệu USD vào hãng máy bay giá rẻ Vietjet trong đợt IPO của doanh nghiệp này. Theo báo cáo của VOF, Vietjet nằm trong top 10 cổ phiếu hàng đầu của quỹ, chiếm 3,3% giá trị tài sản ròng tính đến ngày 30/6/2017.

Tiếp theo là rót thêm tiền và nắm 92% cổ phần quỹ VinaWealth. Sau khi nhận lại 43% vốn từ cổ đông lớn, ông Phạm Phú Trọng, số cổ phần tại VinaWealt của VinaCapital đã tăng từ 49% lên 92%. Giao dịch tương đương gần 2,67 triệu cổ phần VinaWealth, được thực hiện vào ngày 4/5. Bên cạnh đó, tỏ ra hứng thú với lĩnh vực tiêu dùng, VOF đổ 11 triệu USD vào chuỗi bán lẻ FPT Retail. Với lời hứa hẹn từ FPT Retail rằng công ty này sẽ sớm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn, VOF đã rót khoản đầu tư 11 triệu USD.

Ông Andy Hồ cho hay: “Tiêu dùng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của VinaCapital. Nhu cầu về điện thoại và thiết bị di động của người dân Việt Nam rất lớn và đây được xem là công cụ thứ hai của họ để giao tiếp và truy cập internet. Vì vậy chúng tôi quyết định khoản đầu tư ý nghĩa ở một công ty bán lẻ hàng đầu của Việt Nam và chưa niêm yết”.

Rót 11 triệu USD vào “ông trùm” BOT Tasco. VOF thuộc VinaCapital cũng thông báo đã đầu tư 11 triệu USD vào Công ty CP Tasco trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ mới đây. Hiện Tasco là công ty chuyên đầu tư vào bất động sản, xây dựng dân dụng và công nghiệp, trong đó có các dự án đường thu phí theo hình thức BT và BOT.

Cách đây hai tháng, các quỹ của VinaCapital gom vào 5 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera – CTCP mà các lãnh đạo công ty tấp nập bán ra. Theo đó, lượng sở hữu cổ phần của nhóm VinaCapital tại Viglacera tăng từ 16,36 triệu cổ phiếu lên hơn 21,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5% và đồng thời trở thành cổ đông lớn.

Quan tâm đến Ngân hàng TMCP Đông Phương (OCB), VOF bỏ ra khoản đầu tư 11 triệu USD. Ông Andy Ho chia sẻ: "Khoản đầy tư này là cơ hội hiếm có để sở hữu cổ phần một ngân hàng đang có mức tăng trưởng cho vay và lợi nhuận cao, cùng đội ngũ quản lý có chiến lược kinh doanh rõ ràng để mở rộng". Thông qua khoản đầu tư của quỹ VOF, VinaCapital sẽ nắm sở hữu dưới 5% vốn điều lệ OCB.

Trong danh mục đầu tư mới VinaCapital, khoản mục bất động sản có sự xuất hiện của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (Mã: HAR). Ngày 24/10, VinaCapital chi khoảng 130 tỷ đồng để gom 11,2 triệu cổ phiếu của HAR, trở thành cổ đông lớn.

Quỳnh Trang