|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dừng cho vay tái tài trợ: nợ xấu sẽ rõ hơn

16:24 | 10/10/2016
Chia sẻ
Hai tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Công văn số 6960/NHNN-TTGSNH về việc dừng cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn, các ngân hàng đều đã có chỉ đạo dừng sản phẩm cho vay tái tài trợ. Đây mới thực sự là tác động lớn nhất của Công văn số 6960 đến ngành ngân hàng trong thời gian tới.
 4425

Vài năm gần đây, cho vay tái tài trợ (hay mua nợ) trở nên phổ biến và là biểu hiện rõ nét của tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong ngành ngân hàng. Trong bối cảnh việc tìm khách hàng mới khó khăn, nhiều ngân hàng xem tái tài trợ là cách thức tăng trưởng tín dụng nhanh và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng áp dụng cho vay tái tài trợ để giành giật thị phần hay đơn giản hơn là duy trì dư nợ hiện có.

Tái tài trợ là nhu cầu chính đáng

Điểm khác biệt lớn nhất của cho vay tái tài trợ so với một khoản cho vay thông thường là ở phương thức giải ngân. Trong đó, tiền vay được chuyển khoản trực tiếp đến tài khoản của khách hàng mở tại ngân hàng có khoản vay được tái tài trợ, tức là ngân hàng cho vay mới để trả nợ tại một ngân hàng khác.

Thông thường, khách hàng có nhu cầu tái tài trợ các khoản nợ trung, dài hạn với hai lý do: giảm lãi suất hoặc điều chỉnh kế hoạch trả nợ. Đối với lãi suất, sau thời gian ưu đãi, khách hàng có thể không hài lòng với mức lãi suất thả nổi do ngân hàng ấn định và mong muốn chuyển khoản nợ sang một ngân hàng khác với mức lãi suất thấp hơn. Khách hàng cũng có thể gặp khó khăn đối với kế hoạch trả nợ hiện tại. Nếu được tái tài trợ, khoản vay mới sẽ được điều chỉnh thời gian trả nợ và số tiền phải trả từng kỳ. Các khoản vay cá nhân với mục đích mua, sửa chữa nhà hoặc các khoản vay của khách hàng doanh nghiệp để thực hiện dự án trung, dài hạn là các trường hợp thường gặp trong cho vay tái tài trợ.

Đối với các khoản vay ngắn hạn theo hình thức hạn mức tín dụng, về lý thuyết, doanh nghiệp không cần tái tài trợ mà sẽ nhận nợ các khế ước mới ở ngân hàng mới với lãi suất thấp, đồng thời trả dần các khế ước ở ngân hàng cũ có lãi suất cao. Tuy nhiên, thực tế đa số doanh nghiệp không đủ tài sản đảm bảo để thế chấp đồng thời ở hai ngân hàng. Do đó, nếu muốn chuyển đổi ngân hàng, họ phải tái tài trợ tất cả các khoản vay, đi kèm với việc chuyển tài sản đảm bảo sang ngân hàng mới.

Còn một trường hợp khác mà khách hàng cần tái tài trợ là khi giá trị tài sản đảm bảo lớn, khách hàng muốn vay thêm (ví dụ để mở rộng kinh doanh) nhưng ngân hàng cũ không đồng ý. Trong trường hợp này, khách hàng cần một ngân hàng khác cho vay tái tài trợ để chuyển toàn bộ nợ vay và tài sản đảm bảo sang ngân hàng mới này, tất nhiên là sau đó có thể vay thêm dựa trên giá trị tài sản đảm bảo.

Như vậy, cho vay tái tài trợ có thể giúp khách hàng giảm chi phí lãi vay, cải thiện dòng tiền trong tương lai. Ngân hàng cho vay tái tài trợ có thể gia tăng số lượng khách hàng và dư nợ, từ đó tăng lợi nhuận.

Nhưng nhiều rủi ro cho ngân hàng tái tài trợ

Tuy nhiên, cho vay tái tài trợ không có tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Khi ngân hàng này cho vay thì ngân hàng kia thu nợ mà không hề làm tăng tổng tín dụng hay dòng tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Ngoài ra, ngân hàng tái tài trợ có thể gặp rủi ro về tài sản đảm bảo, dòng tiền và chất lượng tín dụng thực sự của khách hàng.

Thứ nhất, ngân hàng tái tài trợ phải giải ngân để giúp khách hàng tất toán khoản vay tại ngân hàng cũ trước khi hoàn thành thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo. Đã có trường hợp sau khi giải ngân và rút tài sản từ ngân hàng cũ thì ngân hàng tái tài trợ không thể đăng ký giao dịch đảm bảo do có phát sinh tranh chấp đối với tài sản này. Trong trường hợp đó, khoản vay tái tài trợ có tài sản đảm bảo trở thành khoản vay tín chấp.

Thứ hai, có thể khách hàng chỉ quan tâm đến lãi suất nhưng khoản vay tái tài trợ thường đi kèm với việc xây dựng một kế hoạch trả nợ mới theo hướng giãn thời gian trả nợ và giảm số tiền phải trả từng kỳ. Điều nguy hiểm cho ngân hàng tái tài trợ là khi khách hàng có dòng tiền về nhưng không bị áp lực trả nợ ngay thì dễ dẫn đến tâm lý đầu cơ (ví dụ mua hàng hóa, nguyên liệu chờ giá lên, đầu cơ chứng khoán). Một phần nợ quá hạn, nợ xấu hiện tại là do yếu kém trong việc quản lý dòng tiền của khách hàng như vậy.

Thứ ba, ngân hàng tái tài trợ có thể rơi vào “bẫy” đẩy nợ của chính ngân hàng cũ. Thực tế có nhiều khách hàng khó khăn hoặc đã quá hạn nhưng ngân hàng vẫn không chuyển nhóm nợ. Nếu dựa vào kết quả tra cứu từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) thì khách hàng đó vẫn là khách hàng tốt. Và một trong những cách xử lý nợ quá hạn là ngân hàng khuyến khích khách hàng tìm một ngân hàng khác để tái tài trợ khoản vay, thực chất là cách đẩy “quả bom” sang cho ngân hàng tái tài trợ.

Thứ tư, các ngân hàng/chi nhánh ngân hàng có thể tận dụng cho vay tái tài trợ để “hợp tác” cùng che giấu nợ quá hạn. Đây là trường hợp các ngân hàng/chi nhánh ngân hàng thỏa thuận “đổi” các khoản nợ có vấn đề cho nhau nhằm kéo dài thời gian trả nợ, chờ đợi sự phục hồi kinh doanh của khách hàng hoặc chờ bán tài sản đảm bảo mà không phải trích lập dự phòng rủi ro.

Ai sẽ bị tác động?

Điểm tích cực của việc dừng cho vay tái tài trợ là bức tranh nợ xấu, nợ quá hạn sẽ sáng rõ hơn. Cho vay đảo nợ và việc che giấu nợ xấu, nợ quá hạn sẽ phần nào bị hạn chế. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng các ngân hàng và khách hàng sẽ sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác để đảo nợ.

Trong khi đó, Công văn số 6960 chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đang chủ trương giành giật khách bằng sản phẩm cho vay tái tài trợ. Nhưng nó cũng khiến cho nhiều ngân hàng thở phào nhẹ nhõm vì đã bớt áp lực bị “mất” khách một cách bất ngờ.

Đáng lo nhất có lẽ là các khách hàng đã vay trung, dài hạn. Trước đây họ có thể dễ dàng chuyển sang ngân hàng khác nếu bị ngân hàng hiện tại o ép về lãi suất. Thực tế, khách hàng có thể dùng điều này để áp lực với ngân hàng hiện tại áp dụng mức lãi suất cạnh tranh. Sau khi có Công văn số 6960, các khách hàng đã vay trung, dài hạn tạm thời sẽ phải “yên vị” mặc cho ngân hàng hiện tại đối xử với họ như thế nào.

Theo Phong Hiếu