|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đua nhau đóng cửa hàng trong ngành bán lẻ Mỹ

13:45 | 08/04/2017
Chia sẻ
Các cửa hàng bán lẻ cả phân khúc thấp lẫn cao đang đóng cửa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. 

Ở phân khúc thấp, thương hiệu giày dép Payless một thời có mặt nhan nhản khắp nơi, nay vừa công bố kế hoạch đóng hàng trăm cửa hàng. Ở phân khúc cao, nhà mốt Ralph Lauren vừa tuyên bố sẽ đóng cửa hàng chủ chốt chuyên bán áo Polo trên đại lộ nổi tiếng Fifth Avenue. Lý do là dòng sản phẩm xa xỉ cổ điển này không còn phù hợp với người tiêu dùng hiện đại.

Nhà bán lẻ dành cho giới teen, Rue21 có thể là ví dụ tiếp theo của làn sóng đóng cửa. Thương hiệu này hiện có khoảng 1.000 cửa hàng, tuy nhiên họ sắp sửa nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Mới vài năm trước, chuỗi cửa hàng đã được bán cho quỹ Apax Partners với giá gần một tỷ USD.

Với việc các nhà bán lẻ ra đi, trung tâm thương mại đối mặt với tình trạng hàng trăm gian hàng bị bỏ trống.

Theo số liệu của Bloomberg, hơn 10% diện tích bán lẻ của Mỹ, tương đương gần 93 triệu mét vuông, sẽ cần phải đóng cửa, hoặc chuyển đổi mục đích hoặc phải giảm giá trong năm tới.

Làn sóng này có tác động không nhỏ tới việc làm. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua (7/4), các nhà bán lẻ cắt giảm khoảng 30.000 nhân công trong tháng 3. Hồi tháng 2, lượng sa thải cũng gần tương tự. Đây là hai tháng sa thải nhiều nhất của ngành bán lẻ kể từ năm 2009.

CEO của thương hiệu Urban Outfitters, ông Richard Hayne cho rằng nguyên nhân khủng hoảng bán lẻ là những năm vừa rồi, các trung tâm thương mại bổ sung quá nhiều cửa hàng. Và quá nhiều trong số đó bán chung một thứ là quần áo.

"Điều này tạo ra một bong bóng, cũng như bong bóng nhà đất, bong bóng này đang phát nổ", vị CEO nói. "Chúng ta đang thấy một hệ quả, là các gian hàng đua nhau đóng cửa và giá thuê thì đi xuống. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai gần và thậm chí có thể còn trầm trọng hơn".

Nếu so với cùng kỳ 2008, từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng cửa hàng đóng cửa còn cao hơn. Số liệu của Credit Suisse Group cho thấy khoảng 2.880 gian hàng đã bị đóng cửa kể từ đầu năm, so với con số 1.153 hồi năm ngoái.

Dự báo năm nay sẽ có gần 9.000 cửa hàng đóng cửa, cao nhất từ trước đến nay.

Đỉnh điểm đóng cửa

Chuyên gia từ Credit Suisse dự báo trong cả năm 2017 sẽ có khoảng 8.640 cửa hàng đóng cửa, cao hơn kỷ lục cũ hồi 2008 ở 6.200.

Những vụ phá sản trong ngành bán lẻ góp phần lớn vào xu hướng này. Ví dụ với Payless, việc đóng cửa 400 cửa hàng nằm trong kế hoạch bảo hộ phá sản vừa công bố hôm thứ Năm. Chuỗi thương hiệu cho teen này có tổng cộng khoảng 4.000 cửa hàng và 22.000 nhân công, con số quá nhiều trong khi sức mua đang ngày càng sụt giảm.

Nhiều cái tên trong ngành bán lẻ cũng rơi vào cảnh phá sản trong năm nay như HHGregg, Gordmans Stores, Gander Mountain. Thậm chí có công ty còn nộp đơn xin bảo hộ phá sản lần thứ hai trong vòng hai năm.

Trong khi đó, để tồn tại, nhiều thương hiệu bán lẻ xoay sang tập trung vào thương mại điện tử. Hồi tháng 11 năm ngoái, chuỗi Kenneth Cole Productions cho biết sẽ đóng hầu hết cửa hàng. Bebe Stores, chuỗi thương hiệu quần áo dành cho phái nữ cũng sắp sửa có hành động tương tự.

"Ngày nay, sự tiện lợi lên ngôi khi được ngồi ở nhà, điện thoại hoặc iPad trên tay và mua sắm", chuyên gia từ Credit Suisse nói.

Tuy vậy, dù các thương hiệu có nỗ lực thế nào trong thế giới onine, họ vẫn chịu áp lực từ sự phát triển không ngừng của gã khổng lồ Amazon.

Hiện Amazon đóng góp khoảng 53% tăng trưởng doanh số bán lẻ trực tuyến hồi năm ngoái. Tất cả những cái tên còn lại trên thị trường chia nhau 47%.

Trong khi phân khúc trung tâm thương mại cao cấp tăng trưởng khá, người tiêu dùng có xu hướng rời bỏ các trung tâm mua sắm phân khúc C hay D, theo phân tích của hãng Cowen & Co. Hiện nước Mỹ có khoảng 1.200 trung tâm thương mại, 30% trong số đó thuộc phân khúc thấp C và D.

So với phần còn lại của thế giới, tình trạng dư thừa trung tâm thương mại, cửa hàng ở Mỹ trầm trọng hơn nhiều. Tính trên đầu người, diện tích bán lẻ của Mỹ cao gấp 6 lần so với châu Âu và Nhật Bản, chưa tính đến thương mại điện tử.

Cho đến nay, các trung tâm thương mại loại A vẫn tiếp tục tồn tại. Hầu hết người Mỹ vẫn tiếp tục đi ra cửa hàng mua sắm. Nghiên cứu của Cowen cho biết khách hàng vẫn thích trải nghiệm mua sắm vật lý trong 75% số lần mua hàng.

Như vậy, chìa khóa là tạo ra trải nghiệm đúng, dù đó là mua sắm online hay offline.

Các nhà bán lẻ nên "tái tập trung vào khách hàng", một chuyên gia phân tích bình luận. "Vấn đề quản trị cần gắn chặt với tốc độ giao hàng, tốc độ của chuỗi cung cấp cùng khả năng đọc thử nghiệm và phản ứng với các xu hướng mới", người này nói thêm.

Vân Vũ