|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đua giành thị phần đồ thể thao Việt Nam

21:42 | 20/11/2019
Chia sẻ
Tiềm năng thị trường đồ thể thao Việt Nam đang ngày càng nở rộ, nhiều ông lớn ngoại nhảy vào đua tranh, trong đó không hiếm tên tuổi đến từ Trung Quốc.

Mới đây, Decathlon - thương hiệu thể thao của Pháp đã chính thức khai trương cửa hàng thể thao đầu tiên tại Việt Nam với quy mô lớn, thiết kế các sản phẩm phù hợp nhu cầu người dùng Việt.

Dù đã có 1.513 cửa hàng lớn nhỏ tại 53 quốc gia, nhưng đến năm 2017 Decathlon mới thử nghiệm bán tại thị trường Việt Nam qua kênh online.

Khi nhận thấy tiềm năng thị trường đồ thể thao Việt Nam đang ngày càng nở rộ, Decathlon đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội với quy mô lên tới 4.300m2. 

Đây đều là những megastore (cửa hàng lớn) cung cấp đa dạng với 14.000 sản phẩm, trang phục, dụng cụ tập luyện và thi đấu cho hơn 70 môn thể thao.

Đua giành thị phần đồ thể thao Việt Nam - Ảnh 1.

Các hãng đang cố gắng tối ưu hóa chi phí để tạo ra giá thành tốt nhất và chế độ bảo hành theo từng phân khúc sản phẩm

Trước đó hai năm, hãng này bắt đầu hoạt động bán hàng trực tuyến của mình ở Việt Nam với quy mô khá khiêm tốn, khoảng 350 chủng loại sản phẩm khác nhau. Năm 2018 tăng chủng loại sản phẩm lên 10 lần. Trong đó, sản phẩm bán chạy thuộc về ba lô, lều 2 giây, mặt nạ lặn biển…

Theo ông Lionel Adenot, Giám đốc Quốc gia Decathlon Việt Nam, trong thời gian đầu là thử nghiệm trên thị trường để xem khách hàng cảm nhận về mức giá, thiết kế, thời gian giao hàng và đâu là môn thể thao họ thích nhất. 

Sau đó hãng đưa ra chuỗi cung ứng lớn hơn, mạnh mẽ hơn cho người tiêu dùng.

Các tên tuổi trên thị trường đồ thể thao hiện có hai xu hướng: Người tiêu dùng đến các cửa hàng sang trọng mua những thương hiệu lớn trên thế giới với chất lượng rất tốt, nhưng giá rất đắt đỏ; Hoặc ra chợ địa phương mua sản phẩm với giá rất rẻ, nhưng chất lượng, độ an toàn thì không đảm bảo.

Dù 2 thị trường lớn nhất vẫn là Hà Nội, TP.HCM nhưng sản phẩm phải đến với tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã là thị trường sản xuất lớn thứ hai của thương hiệu Pháp, sau Trung Quốc của Decathlon.

Ngoài ra, nhiều hãng sản xuất đồ thể thao lớn của thế giới đã thâm nhập thị trường Việt Nam để xuất khẩu... tại chỗ. 

Hàng loạt thương hiệu đang phân phối qua các đơn vị độc quyền, như hãng giày dép thể thao 361° thuộc Công ty Degrees International Limited, thiết bị chạy thể dục như Elliptical, Orbitrac... với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

Những thương hiệu Nike, Adidas, Lyning, Puma... từ chỗ chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất để xuất khẩu, đã tập trung bán sản phẩm. Đến nay, Nike và Adidas chiếm thị phần lên tới gần 40% ở Việt Nam.

Mới đây, hàng loạt thương hiệu thể thao Trung Quốc cũng bày tỏ tham vọng lấn sân thị trường Việt thông qua việc tìm kiếm nhà phân phối độc quyền, hoặc tìm địa bàn thuận lợi để đầu tư nhà máy sản xuất.

Đua giành thị phần đồ thể thao Việt Nam - Ảnh 2.

Các thương hiệu đến từ Hạ Môn - cái nôi sản xuất thể thao của Trung Quốc đang “thể hiện” khả năng chinh phục thị trường Việt Nam

Chẳng hạn, Kelme - thương hiệu thể thao trung và cao cấp của Tây Ban Nha nhưng nhà máy đặt tại Trung Quốc. Sau hai năm đến Việt Nam thăm dò thị trường đã tham gia triển lãm này để tìm đối tác phân phối sản phẩm và muốn đầu tư mở nhà máy.

 Bà Junia, quản lý kinh doanh khu vực Asia của Kelme kỳ vọng, trong vòng 1 năm tới doanh số xuất hàng qua Việt Nam sẽ đạt giá trị 80.000 USD.

Trong khi đó, thương hiệu Attivo đến từ Singapore chuyên phân phối thiết bị tập gym, thể hình thể thao đến Việt Nam kinh doanh gần một 10 năm nay, với lượng khách đến từ trung tâm fitness  khách sạn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng…

Ông Rajan Nalliah, Giám đốc Attivo cho hay, với mức thu nhập tăng, nhu cầu tập luyện vì sức khỏe và giao lưu thể thao được tổ chức ngày càng nhiều là cơ hội kinh doanh cho công ty.

Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có tới trên 3.000 phòng tập gym, hàng ngàn sân cỏ nhân tạo, bể bơi. Không chỉ các giải bóng đá mà xe đạp đường phố, chạy bộ... được tổ chức thường xuyên theo tất cả các cấp độ. 

Điều này đã tạo nên cú hích, mở ra nhiều tiềm năng, với quy mô thị trường lớn. Trong đó, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rót vốn sản xuất bóng thể thao, giày thể thao, quần áo trang phục, phụ kiện.

Tuy nhiên, việc giành miếng bánh thị phần hiện đầy khốc liệt. Các sản phẩm giày thể thao, trang phục với mức giá bình dân cũng chủ yếu do doanh nghiệp trong nước cung ứng, nhưng chịu sức ép cạnh tranh rất gay gắt từ hàng nhái, hàng giả của Trung Quốc. 

Hiện Trung Quốc là nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, chiếm đến 70%.

Anh Hoa