Đưa FDI vào tầm ngắm
Vẫn còn hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” vốn FDI. Ảnh: Quốc Hùng
Cân đối số lượng, kiểm soát chất lượng
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (Vafie), nghị quyết nói trên đặt ra cả hai tiêu chí về số lượng và chất lượng các dự án FDI trong thời gian tới.
Về số lượng, nghị quyết đặt mục tiêu thu hút khoảng 30-40 tỉ đô la Mỹ/năm trong giai đoạn năm năm tới từ 2021-2025, trong đó vốn giải ngân đạt khoảng 20-30 tỉ đô la Mỹ/năm, chiếm khoảng 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
“Tỷ lệ vốn FDI trên tổng nguồn vốn toàn xã hội như vậy là hợp lý, không nên thấp hơn, cũng không nên cao hơn. Bởi nếu thấp hơn nền kinh tế sẽ thiếu vốn, nhưng nếu cao hơn sẽ lấn át thị phần doanh nghiệp trong nước”, ông Mại nhận định.
Về chất lượng, thực tế sau 30 năm thu hút FDI, ngoài những mặt tích cực như tạo việc làm, đóng góp ngân sách và tăng trưởng kinh tế, nhiều dự án có nguồn vốn mỏng, liên kết giữa các khu vực trong và ngoài nước chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.
Đánh giá về chất lượng dòng vốn FDI những năm qua, bà Anushka Shah, Phó chủ tịch, chuyên gia cao cấp của Moody’s, công ty dịch vụ tài chính kinh doanh có trụ sở tại Mỹ, cho rằng dòng vốn này đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung nhưng nếu nhìn vào giữa hai khu vực trong và ngoài nước, mối liên hệ này rất lỏng lẻo.
“Hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI cho khu vực doanh nghiệp trong nước không lớn so với kỳ vọng, đặc biệt so với quy mô FDI đầu tư vào Việt Nam trong những năm qua”, bà Anushka Shah nói.
Tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị của Việt Nam năm 2015 là 56%, từ mức 34% năm 1995. Tuy nhiên, sự tham gia này chỉ đến từ liên kết sau - nhập khẩu các sản phẩm trung gian để sản xuất và xuất khẩu - chiếm 45%, trong khi liên kết trước - cung cấp sản phẩm trung gian phục vụ các quốc gia khác - chỉ là 11%, theo báo cáo kinh tế Việt Nam 2019 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Nghị quyết 50 đặt mục tiêu thu hút những dự án chất lượng cao, đặc biệt dự án sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tương lai phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như IoT, blockchain, FinTech...
Theo các chuyên gia, khi Việt Nam còn thiếu vốn, thiếu công nghệ và việc làm cho người lao động thì những dự án gia công lắp ráp còn được chào đón. Nhưng trong bối cảnh mới, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế, việc lựa chọn dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường hoàn toàn có cơ sở.
Thực tế, các công ty đa quốc gia đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tìm kiếm địa điểm sản xuất thứ hai từ năm 2016. Quá trình “di cư” này càng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong hơn một năm qua. Dự kiến có hàng ngàn tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư sẽ tìm kiếm địa điểm đầu tư mới, trong đó, Việt Nam là quốc gia đứng đầu danh sách lựa chọn của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Mại.
Intel và Samsung đã sớm đặt chân đến thị thường Việt Nam để sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại. Tới nay, tổng số lao động tuyển dụng tại hai tập đoàn này đã lên tới hơn 180.000.
Các nhà sản xuất giày thể thao và máy chơi game cũng đang tìm đường dịch chuyển sản xuất từ quốc gia láng giềng sang Việt Nam để tránh thuế chính quyền Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Nintendo và Sharp là hai tập đoàn đa quốc gia mới nhất thông báo kế hoạch dịch chuyển này, theo Bloomberg.
Còn theo New York Times trong bài viết gần đây, Foxconn, cho biết họ đã xin được quyền thuê đất tại Việt Nam. Các công ty sản xuất công nghiệp phụ trợ khác của Đài Loan và Trung Quốc cũng có ý định tăng quy mô sản xuất tại đây.
“Rõ ràng đây là thời điểm chúng ta có điều kiện tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, các dự án ma, dự án chui, mỏng vốn, chuyển giá, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư để lợi dụng sơ hở pháp luật sẽ không còn được châm chước nữa”, ông Nguyễn Mại nói.
Áp lực thời gian
GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái cho rằng nghị quyết nêu rất rõ tình trạng không lành mạnh của khu vực FDI như chuyển giá, đầu tư chui, sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu liên kết... và từ đó có những chủ trương, giải pháp rất cụ thể.
“Chúng ta phải tự xem xét lại các hoạt động thu hút vốn FDI thời gian qua ở các ngành, các địa phương, có điểm nào còn thiếu sót như nghị quyết đã nêu, từ đó, mỗi đơn vị, căn cứ chủ trương chung để chỉnh sửa”, ông Thái nói thêm.
Chẳng hạn, liên quan tới vấn đề chuyển giá, Quốc hội sẽ chỉ đạo xây dựng Luật Chống chuyển giá. Một khi Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), kể cả các hiệp định FTA thế hệ mới, cũng như quan hệ kinh tế rộng mở với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể tích hợp thông tin các ngành, các địa phương trong nước và liên kết với các thông tin quốc tế để chống chuyển giá ngay từ khâu xem xét dự án, triển khai dự án, thực hiện các công đoạn của dự án, tránh tình trạng “mất bò mới lo rào chuồng”.
Tuy nhiên, vấn đề thời gian xây dựng luật nhằm triển khai nghị quyết được cho là điểm nghẽn hiện nay. Theo ông Nguyễn Mại, quy trình làm luật của Việt Nam vẫn còn mất rất nhiều thời gian. Ví dụ như Luật Đầu tư, luật có tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 4 năm có hiệu lực, đã gặp phải nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.
Chính phủ đang soạn thảo Luật Đầu tư sửa đổi và dự kiến phải tới tháng 10-2020 mới trình Quốc hội thông qua. Nếu dự thảo lúc đó không được thông qua thì luật phải chờ tới năm 2021.
“Chúng ta không thay đổi cách làm luật, mà làm theo kiểu chờ xếp hàng như hiện nay là rất nguy hiểm”, ông Nguyễn Mại nói. “Quốc hội của chúng ta đa thành phần, không phải ai cũng hiểu luật pháp. Do đó, phải nghĩ ra một bộ phận nào đó chuyên làm luật để đề ra luật cho Quốc hội thông qua, có như vậy mới giải đáp được các yêu cầu của cuộc sống”.
“Thời gian là yếu tố rất quan trọng. Sau nghị quyết, làm thế nào phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, thực thi thể chế, thay đổi các khâu trong quản lý nhà nước về FDI”, ông Nguyễn Mại nói.