|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dư thanh khoản, ngân hàng “kết” trái phiếu

06:38 | 06/11/2016
Chia sẻ
Khi dư thanh khoản, các ngân hàng đang tập trung vào trái phiếu, tín phiếu, gửi lãi suất liên ngân hàng…

Thanh khoản dồi dào

Theo báo cáo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tình hình kinh doanh của đa số các TCTD có sự cải thiện dần trong 3 quý đầu năm 2016.

Tại cuộc điều tra lần này (tháng 9/2016), 46,3% TCTD nhận định tình hình kinh doanh của họ “tốt”, 50% TCTD nhận định ở mức “bình thường” và 3,7% TCTD nhận định “kém”. Trong quý IV/2016 và trong cả năm 2016, có 70-80% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn so với quý truớc và năm trước.

Đánh giá về trạng thái thanh khoản của đơn vị mình tại thời điểm hiện tại, 87,6% TCTD nhận định thanh khoản ở tình trạng “tốt” đối với cả VND và ngoại tệ. Trong đó 100% TCTD thuộc nhóm Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nhỏ đánh giá thanh khoản chung và thanh khoản VND của họ “tốt”; 8,6% TCTD đánh giá thanh khoản “bình thường”. Dự kiến trong Quý IV/2016 và cả năm 2016, đa số TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái khá dồi dào trong phần lớn thời gian của quý III/2016. Biểu hiện rõ nhất của hiện tượng này là lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Nếu tính từ đầu tháng 7 cho tới nay thì lãi suất liên ngân hàng trung bình kỳ hạn qua đêm chỉ xấp xỉ là 1%/năm, kỳ hạn một tuần là 1,15%/năm và kỳ hạn hai tuần là 1,37%/năm (các mức lãi suất này trong quý II lần lượt là 2,82%; 3% và 3,35%/năm).

Cty chứng khoán Bản Việt (BVSC) nhận định hiện tượng này có phần trái với quy luật hàng năm khi quý III và quý IV, lãi suất liên ngân hàng nói riêng và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhìn chung thường có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự chênh lệch giữa cung và cầu vốn.

Vậy câu hỏi được đặt ra, khi dư thanh khoản các ngân hàng đã làm gì? Theo như báo cáo, các NHTM đẩy mạnh mua trái phiếu và tín phiếu. Một phần lượng tiền dư ra này đã được các NHTM đầu tư mới vào kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP) với tổng lượng vốn ròng rót vào đây là 141.923 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng so với thời điểm 20/06). Bên cạnh đó, nhờ lực cầu dồi dào từ các NHTM mà chỉ trong vòng 9 tháng, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành vượt kế hoạch phát hành TPCP ban đầu cho cả năm nay (250.000 tỷ đồng).

Ngoài kênh TPCP thì các NHTM cũng đang hấp thụ một lượng lớn tín phiếu do NHNN phát hành. Kể từ đầu tháng 6 đến nay, NHNN đã phát hành một lượng lớn tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày (trong đó chủ yếu là kỳ hạn 14 ngày) với lãi suất liên tục giảm và đến nay đã về mức rất thấp (dưới 0,5%/năm cho kỳ hạn 14 ngày).

Theo thống kê của BVSC thì lượng vốn hút ròng thông qua kênh tín phiếu tính đến ngày 20/9 vào khoảng 77 nghìn tỷ đồng, tương đương với phần vốn dư thừa còn lại trong hệ thống ngân hàng.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng, thực tế hệ thống ngân hàng chỉ đang dư thừa tiền tạm thời chứ chưa phải là dài hạn, bởi tín phiếu là dạng giấy tờ ngắn hạn (14 ngày), lúc nào cần ngân hàng cũng có thể đưa lên thị trường mở (OMO) để lấy tiền về nhanh.

Cẩn trọng với rủi ro tiềm ẩn

Như vậy, tiền thừa một phần đổ vào trái phiếu, tín phiếu… khiến lãi suất tín phiếu kho bạc, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm liên tiếp. Một phần đổ vào thị trường liên ngân hàng khiến lãi suất liên ngân hàng giảm xuống kỷ lục. Phần ít ỏi còn lại được gửi vào Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đây đều là kênh đầu tư có tính lỏng cao, dễ dàng rút tiền về khi cần thiết nhưng lãi suất thấp, do đó mà các ngân hàng sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc trả lãi tiền gửi của người gửi tiền. Đây là điều không ngân hàng nào mong muốn, nhưng họ buộc phải làm trong bối cảnh hiện nay.

Động thái này giúp giảm nguy cơ lạm phát do tiền tệ trong thời điểm hiện tại.Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc các NHTM phải tạm thời dồn phần lớn lượng tiền dư thừa vào kênh TPCP và đặc biệt là kênh tín phiếu với lãi suất không hấp dẫn cho thấy các ngân hàng có thể đang gặp khó khăn trong việc phát triển tín dụng.

Số liệu tăng trưởng tín dụng tín đến cuối quý III cho thấy còn một khoảng cách khá xa (khoảng 7-8%) để các NHTM hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% cho cả năm nay. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế có hạn, một số ngân hàng vướng các quy định về hệ số CAR theo chuẩn Basel II hay các ngân hàng lo ngại nợ xấu khi đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực rủi ro có thể là những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chưa được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng đẩy mạnh mua vào một lượng lớn TPCP từ đầu năm đến nay có thể sẽ mang đến những rủi ro tiềm ẩn. Khi lạm phát quay trở lại hay tỷ giá biến động có thể làm suy giảm hoạt động cung tiền của NHNN, đồng thời tạo ra “kỳ vọng lãi suất tăng”. Tâm lý này có thể kích hoạt việc bán TPCP trên thị trường và đẩy lợi suất tăng lên.

Áp lực lên mặt bằng lãi suất chung trên thị trường theo đó cũng tăng dần. Ngoài ra, rủi ro kỳ hạn cũng rất đáng lưu ý khi các ngân hàng có thể đang dùng nhiều phần vốn trung hạn để mua trái phiếu Chính phủ dài hạn (thậm chí rót vốn vào cả kỳ hạn 15-20 năm thay vì chỉ mua kỳ hạn ngắn 3-5 năm như trước đây).

Ngân hàng đang “thừa tiền” nhưng vẫn lo lắng về vấn đề nợ xấu. Việc nợ xấu gia tăng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng phải huy động tiền nhiều hơn là cho vay, nhằm dôi ra một khoản để dự phòng và bù đắp cho các thiệt hại mà nợ xấu đã, đang và sẽ gây ra.

Bảo Chương