Du lịch Việt Nam: Phục hồi giữa nhiều rào cản
Tín hiệu tích cực của ngành du lịch
Du lịch trong nước đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài trầm lắng. Năm 2023, quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, vượt 57% mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt), phục hồi 70% so với năm 2019. Đặc biệt, tốc độ phục hồi càng rõ nét hơn trong 6 tháng cuối năm khi lượng khách quốc tế hàng tháng đều đạt trên 1 triệu lượt.
So với năm 2019 trước COVID, về cơ bản các thị trường phục hồi tốt, một số thị trường cao hơn 2019. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc mới phục hồi khoảng 30%. Thay vào đó, Hàn Quốc trở thành thị trường nguồn lớn nhất, chiếm khoảng 28% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Trong 4 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam bước vào mùa cao điểm khách nội địa với tổng lượng khách du lịch nội đạt mốc 40,5 triệu lượt với tổng thu từ khách là 271.400 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,6% và 38% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, lượng khách quốc tế vẫn duy trì ở mức tốt đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19).
Nhận định về những con số trên, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết đây hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền, người dân trong thực hiện quảng bá, xúc tiến thời gian qua.
Đặc biệt là hiệu quả tác động rõ ràng từ chính sách thị thực áp dụng từ 15/8/2023, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho các nước được miễn thị thực đơn phương và thực hiện cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày.
Ngoài ra, điểm đến Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Planet đã đề xuất 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu sau khi tốt nghiệp dành cho sinh viên. Việt Nam góp mặt trong danh sách này với vị trí thứ 5.
Giải thưởng Travelers' Choice Awards Best of the Best của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã công bố danh sách 10 bãi biển hàng đầu châu Á. Bãi biển An Bàng xếp vị trí thứ 5 và Mỹ Khê xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng này.
Gần đây nhất, tại lễ trao giải Giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tổ chức ngày 6/3 tại Đức, TP HCM xuất sắc đạt danh hiệu "Điểm đến MICE tốt nhất châu Á 2023". Hội An giành danh hiệu "Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á 2023"
“Những tín hiệu tích cực trên đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong thời gian đầu năm 2024 sẽ là cơ sở để ngành hoàn thành các mục tiêu trong năm nay”, ông Bình kỳ vọng.
Doanh nghiệp vẫn “đói” khách
Mặc dù khách du lịch tăng khá nhanh nhưng các doanh nghiệp lữ hành vẫn “đói khách” khi lượng đi theo tour không tăng nhiều.
Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá" hồi tháng 3, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết với khách quốc tế doanh nghiệp nội không cung cấp được nhiều dịch vụ trọn gói mà chỉ tham gia được vào một số khâu riêng lẻ như đi lại, ăn uống, lưu trú.
Cụ thể, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhưng doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều lợi nhuận do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói, có chăng chỉ là một vài khâu lợi nhuận không cao như cho thuê xe. Các chuyến bay từ Nhật Bản về TP HCM nhiều, khách đông nhưng chủ yếu là doanh nhân chứ người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài.
“Việc thiếu vắng hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc khiến nguồn thu của các công ty lữ hành cũng còn hạn chế”, ông Hòa cho hay.
Ngành du lịch Việt cũng đứng trước nhiều thách thức khi giá vé máy bay tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel), cho biết trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, người dân cũng “chắt bóp” hơn việc trong việc chi tiêu sinh hoạt. Thay vì du lịch bằng đi máy bay thì họ đã chuyển sang đi phương tiện khác, thậm chí là không đi nữa. Một bộ phận khách có xu hướng chuyển sang chọn tour nước ngoài, vì giá vé máy bay đi nước ngoài cạnh tranh hơn.
"Chúng tôi nhìn thấy có sự dịch chuyển nguồn khách từ Việt Nam ra nước ngoài. Ví dụ đi Thái Lan lúc này chỉ mất 8 triệu đồng, nhưng với giá này thì không thể làm chương trình đi Nha Trang hay Phú Quốc được”, ông Nghĩa quan ngại.
Giá vé máy bay tăng cao cũng khiến cho việc hút khách vào Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Khách nước ngoài vào Việt Nam thường đi dài ngày và di chuyển nhiều địa điểm trong nước nên giá vé máy bay tăng cũng khiến chi phí du lịch đội lên rất nhiều.
Ngoài vấn đề về giá vé máy bay, chính sách visa của Việt Nam cũng còn nhiều điểm kém hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, Việt Nam hiện đang miễn thị thực cho công dân 25 quốc gia, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương trong khi Malaysia và Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia với thời gian lưu trú 90 ngày, Thái Lan miễn cho 64 quốc gia trong thời hạn 30 ngày,…
Vì vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trong năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt khách, trong khi con số này tại Thái Lan, Malaysia và Singapore lần lượt là 27 triệu lượt khách, 20 triệu lượt khách và 14 triệu lượt khách.
“Miễn thị thực vẫn là một công cụ đòn bẩy để thu hút khách du lịch quốc tế và chúng tôi mong Chính phủ sớm mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương lên tới 50 - 60 quốc gia để thu hút khách hơn.”, ông Chính đề xuất.
Theo ông, nhìn từ kinh nghiệm của Thái Lan, để kích cầu du lịch nội địa, Chính phủ đã có chính sách trợ cấp cho cả hàng không với hai triệu vé máy khứ hồi với mức giá 30 USD. Qua hình thức này cũng giúp được Thái Lan phục hồi du lịch mạnh mẽ.
“Tại thời điểm này, ngoài sự nỗ lực của ngành hàng không trong việc giảm giá vé máy bay thì Chính phủ nên có phương án điều tiết, bình ổn giá vé máy bay”, ông Chính nhấn mạnh.
*Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2024.