|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Du lịch nội địa 'rục rịch' tiến vào đường đua phục hồi tăng trưởng hậu đại dịch

19:00 | 25/09/2020
Chia sẻ
Dù bị đứt gãy đà phục hồi do đại dịch COVID-19 lần hai, nhưng ngành du lịch hứa hẹn sẽ sớm tái sinh nhờ chính sách kích cầu và gói hỗ trợ kinh tế 18.600 tỉ đồng của Chính phủ.

Ngành du lịch và ngành hàng không phải chịu một "cú đấm bồi" khi ngành vừa mới hồi sinh từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 thì ngay lập tức bị bẻ gãy đà phục hồi vì đại dịch COVID-19 tái bùng phát ngày 25/7.

Cú "đấm bồi" của dịch COVID-19

Thông tin từ Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), từ ngày 28/7 - 2/8 (thời điểm dịch COVID-19 tái bùng phát) riêng doanh nghiệp du lịch Hà Nội đã phải hủy tour nội địa cho gần 30.000 khách. Trong khi đó, du lịch TP HCM cũng trong tình trạng tương tự khi 35.000 lượt khách hủy tour.

Du lịch nội địa bắt đầu đà phục hồi - Ảnh 1.

Hội An những ngày đại dịch COVID-19 vắng vẻ khách du lịch. (Ảnh: VOV).

Số liệu thống kê từ các thành viên của Hội đồng Tư vấn Du lịch cho thấy, trong tuần ngay trước 25/7 khu nghỉ dưỡng Victoria Hội An đón 160 khách/ngày thì ngay lập tức giảm xuống còn 0 khách trong tháng 8. 

Trong tháng 7 trước đợt bùng phát dịch mới, khu nghỉ Intercontinental Phú Quốc đón bình quân 200 khách/ngày, đến đầu tháng 8 giảm xuống chỉ còn chưa đến 20 khách/ngày.

Một "ông lớn" trong ngành là Vietravel công bố kết quả kinh doanh khá ảm đạm trong quí II/2020 khi lỗ tới 38 tỉ đồng, giảm 283% so với cùng kì. Vietravel đã nhận được yêu cầu hủy của hơn 22.000 lượt khách (thiệt hại ước tính 102 tỉ đồng) từ 28/7 - 2/8.

Kích cầu cho du lịch nội địa

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, Bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch (VHTTDL) ra văn bản phát động chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.

Du lịch nội địa bắt đầu đà phục hồi - Ảnh 2.

Du lịch nội địa bắt đầu có những biến chuyển sau đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Travelmag).

Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thông điệp riêng phù hợp với tính hấp dẫn và sản phẩm đặc thù của điểm đến.

Chương trình sẽ tập trung kích cầu hướng tới khách du lịch là người Việt Nam và mở rộng đối tượng hơn là người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

Bộ VHTTDL mong muốn các Sở Du lịch tỉnh cần khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE …

Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cần thiết phải xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu. Đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.

Đẩy mạnh truyền thông về du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trên các kênh truyền thông, góp phần xóa bỏ tâm lí e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19.

Ngành du lịch chuẩn bị đà chạy

Ngay sau kì nghỉ 2/9 trôi qua, các địa phương trên cả nước đã bắt đầu khởi động lại chiến dịch kích cầu du lịch đợt hai.

Du lịch nội địa bắt đầu đà phục hồi - Ảnh 3.

Các địa phương lần lượt có các biện pháp kích cầu nội địa, mở rộng đối tượng là khách nước ngoài sống tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Tri thức Cộng đồng).

Đơn cử, mới đây, ngày 8/9, Quảng Ninh đã tung ra gói kích cầu khoảng 100 tỉ đồng, giảm giá vé các khu tham quan, du lịch. TP HCM cũng không ngoại lệ khi tiếp tục tung nhiều chương trình kích cầu mới vào đầu tháng 9, kế sau gói kích cầu hồi tháng đầu tháng 6.

Riêng với các điểm nóng của dịch COVID-19 là Đà Nẵng và Quảng Nam, hai tỉnh này cũng bắt đầu "rục rịch". Đà Nẵng bắt đầu nới lỏng việc đi lại của người dân, cho phép các phương tiện giao thông đi và đến Đà Nẵng. Mới đây ngày 20/9, Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đã chính thức đón khách trở lại sau gần hai tháng chống dịch.

Hội An (Quảng Nam) cũng hưởng ứng, triển khai hoạt động trở lại, giảm 50% giá vé tham quan khu phố cổ,...

Tận dụng cơ hội và hưởng ứng chương trình kích cầu, nhiều công ty lữ hành theo đó đã chào bán các tour, tuyến với chính sách ưu đãi chưa từng có. 

TST Tourist dự kiến tung ra thị trường những đường tour du lịch ngắn ngày và tour du lịch mùa thu với điểm đến chọn lọc và an toàn. Vietravel cũng không thua kém khi đã chào bán những bộ sản phẩm du lịch nội địa giảm giá đến 50%.

Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp du lịch cần có những cái "mới". Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch khẳng định: "Với tình hình hiện giờ, chúng ta không thể trông chờ vào việc giảm giá sản phẩm nữa. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ, phải cho du khách thấy họ được phục vụ tốt, các sản phẩm đưa ra phải mới nhất hoặc được làm lại mới nhất, đưa khách đến những chỗ mới, chưa đến...".

Ngành hàng không cũng tham gia vào cuộc hồi phục của ngành du lịch khi ngày 22/9, Vietnam Airlines thông báo mở rộng mạng đường bay nội địa trong tháng 10 tới các địa phương mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Hải Phòng,... với tần suất 3 - 4 chuyến khứ hồi một tuần với giá vẻ ưu đãi.

Đại diện TST Tourist cho biết kích cầu du lịch đợt này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng là biện pháp cần thiết để cứu các doanh nghiệp đang gặp khó. Trong đó, sự hỗ trợ của nhà nước là rất cần thiết để kích thích khả năng tiêu dùng.

Du lịch nội địa bắt đầu đà phục hồi - Ảnh 4.

Gói kích thích kinh tế lần hai hi vọng sẽ có hiệu quả, "đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế". (Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh).

Mong chờ gói kích thích kinh tế lần hai

Theo báo Chính phủ, về gói kích thích kinh tế 18.600 tỉ đồng của Chính phủ dự kiến sẽ công bố, trong cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ "Về nguyên tắc, chính sách lần hai phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lí cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế".

Dẫu sao, ngoài chính sách kích cầu, ngành du lịch nói riêng và ngành dịch vụ nói chung đang mong chờ gói hỗ trợ kinh tế 18.600 tỉ đồng của Chính phủ sớm triển khai để giải quyết các vấn đề cũng như tái sinh cho ngành du lịch.