Du lịch hậu COVID-19 tăng giá và lộn xộn, lỗi tại ai?
Tăng giá và lộn xộn
Nêu ý kiến tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra sáng 15/11, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thẳng thắn chỉ ra thực trạng của ngành hiện nay.
Theo đó, khi dịch COVID-19 ập đến, các doanh nghiệp hàng không, du lịch, lữ hành kết nối với nhau rất tốt. Tuy vậy, khoảng một năm trở lại đây, những liên kết này hình như biến mất, quay trở lại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
"Vừa mở cửa trở lại, tất cả 'căn bệnh cũ' của ngành du lịch lại tái phát. Chặt chém, tăng giá tùy tiện, chỗ đông chỗ ít, lộn xộn trong hoạt động du lịch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng của ngành không được như sự kỳ vọng của Chính phủ", ông Bình cho hay.
Việc không có sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và hàng không, giá tăng quá cao hay không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước, Chủ tịch Hiệp hội Việt Nam cho hay.
Thực tế này được minh chứng rõ rệt tại Phú Quốc, một trong những điểm du lịch được kỳ vọng trở thành điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế tại Việt Nam. Hậu COVID-19, Phú Quốc đang phải cạnh tranh với không chỉ các điểm đến trong nước mà còn với các điểm đến khu vực như Bali, Indonesia hay Phuket, Thái Lan.
Trong khi đó, giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, cả đường bay quốc tế đến Phú Quốc luôn cao hơn các địa phương khác, ngay cả trong ngày thường chứ không riêng dịp lễ Tết.
"Có những thời điểm một vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc có giá trên 10 triệu đồng. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến", ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu vấn đề.
Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng giá phòng khách sạn, giá dịch vụ ăn uống tại Phú Quốc đang cao hơn nhiều điểm du lịch trong và ngoài nước làm giảm sức hấp dẫn trong mắt du khách.
Từ đó, Phú Quốc rơi vào vòng luẩn quẩn. Lượng khách quá ít ỏi khiến các doanh nghiệp lớn dừng dịch vụ vì không đủ công suất để vận hành. Đơn cử như Sun Group thông báo tạm dừng cáp treo đến đảo Hòn Thơm từ ngày 19/9 và dự kiến mở lại vào tháng 12 hay một số khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch tạm dừng hoạt động.
Việc thiếu vắng một số các sản phẩm chủ lực mang tính biểu tượng của của du lịch Phú Quốc lại càng khiến du khách kém mặn mà.
"Chiếc bẫy" bê tông hoá
Giá vé máy bay, giá phòng khách sạn tăng cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường khách nội địa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây không phải câu chuyện căn cơ khiến du lịch Phú Quốc mất đi sức hấp dẫn.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, du lịch là ngành kinh doanh dịch vụ tinh tế nhất bởi nó chạm đến trái tim, là cảm nhận, trải nghiệm, hiểu biết, khám phá, tận hưởng và giao hòa.
"Nếu chúng ta dành rất nhiều đất đai cho du lịch nhưng không có sự vào cuộc của các chuyên gia đánh giá tác động, thẩm định sẽ dễ vấp vào quá trình đô thị hóa, bê tông hoá làm mất đi nét văn hoá đặc trưng của địa phương hoặc xảy ra tình trạng núp bóng du lịch để kinh doanh bất động sản theo nghĩa truyền thống", ông Thành nói.
Theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group, giá vé máy bay tăng cao chỉ là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định du lịch của khách hàng. Với Phú Quốc, thực trạng hôm nay là vấn đề nhãn tiền, xuất phát từ kế hoạch phát triển du lịch thiếu tầm nhìn.
Từ vị trí một hòn đảo trung tâm châu Á, thậm chí là đẳng cấp thế giới, phù hợp để hướng đến thu hút nhóm khách quốc tế sang trọng theo kiểu “ít mà chất”, Phú Quốc đã xây dựng tràn lan để nhắm tới lượng khách Việt Nam đại trà. Trong khi đó, nhóm khách hàng cao cấp thích những trải nghiệm thiên nhiên, giàu tính bản địa.
Tình trạng Phú Quốc cũng tương tự như Sapa hay Nha Trang, từng là địa chỉ ưa thích của nhóm khách chi tiêu cao từ châu Âu, trước khi trở nên đông đúc vì đa dạng các nhóm khách hàng ở phân khúc thấp hơn. Để mang tính quốc tế, quản lý điểm đến cần bền vững, không cần quá nhiều khách.
Vấn đề thứ hai là cuộc "cạnh tranh về đáy" của các địa phương khi các tỉnh chạy đua thu hút thật nhiều nhà đầu tư bằng việc đưa ra nhiều ưu đãi song vô hình chung khiến du lịch phát triển tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu tính quy hoạch.
TS. Võ Trí Thành nhìn nhận tình trạng này thường được nói trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng hiện cũng xuất hiện trong du lịch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra quá trình đô thị hoá, bê tông hoá các điểm du lịch một cách nhanh chóng, làm mất đi nét hoang sơ ban đầu - điểm hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác dẫn đến chất lượng không cao, thiếu tinh tế, thiếu sáng tạo, thiếu tính bền vững, thiếu bản sắc...
Du lịch Việt Nam cũng chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam như Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, Festival di sản Huế.
Đặc biệt việc thiếu tính liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng du lịch chưa đạt như kỳ vọng.
Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược cùng phát triển; chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia.