Du lịch châu Á thất thu vì dịch viêm phổi Vũ Hán
Tính đến ngày 27.1, số ca tử vong vì viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc đã tăng lên đến 81 người và 2.740 người nhiễm bệnh trên toàn quốc, dù chính phủ phong tỏa ổ dịch là thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc và đình chỉ tất cả tour du lịch khách đoàn trong nước (từ ngày 31.1) và ngoài nước (từ ngày 27.1).
Các biện pháp kiểm soát đi lại được áp dụng trong bối cảnh số lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng gấp 10 lần kể từ năm 2003, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics.
Nhiều doanh nghiệp tại những điểm đến du lịch phụ thuộc vào số lượng lớn du khách Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh do vi rút corona mới (2019-nCoV) gây ra, theo AFP.
Họ phản ánh tình trạng các bãi biển và cửa hàng "hoang vắng" và bày tỏ lo ngại về tương lai sau gần 1 tháng dịch bệnh hoành hành, lan rộng khắp thế giới.
Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp nhớ lại dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003, làm tê liệt các nền kinh tế trong khu vực. Lúc đó, số lượng du khách Trung Quốc đã giảm khoảng 1/3.
"Nếu tái diễn kịch bản dịch bệnh SARS thì dịch viêm phổi Vũ Hán có nguy cơ làm giảm khoảng 1,5 - 2 điểm phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất", theo Capital Economics.
Tại Nhật Bản, sự sụt giảm số lượng du khách Trung Quốc được thể hiện rõ rệt ở Asakusa, địa điểm du lịch nổi tiếng gần ngôi chùa cổ Sensoji.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ đón ít khách du lịch hơn trong năm nay. Tôi nghĩ rằng số lượng du khách Trung Quốc năm nay chỉ bằng phân nửa năm ngoái hoặc năm trước", Yoshie Yoneyama, một quản lý (31 tuổi) của cửa hàng bánh kẹo truyền thống Nhật Bản ở Asakusa, nói với AFP.
Bãi biển “hiu quạnh”
Số lượng du khách Trung Quốc nghỉ mát tại Nhật Bản đã bùng nổ từ khoảng 450.000 người năm 2003 lên đến 8.4 triệu người trong năm 2018, chiếm 27% tổng số khách du lịch đến đất nước Mặt trời mọc.
“Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Nhật Bản khó có thể đạt được mục tiêu do chính phủ đề ra là 40 triệu khách du lịch trong năm 2020”, Yuki Takashima, nhà kinh tế học thuộc công ty tài chính Nomura Securities, nhận định.
Không chỉ khách sạn, nhà hàng và địa điểm du lịch, những nhà bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng đáng kể do sự sụt giảm lượng khách du lịch Trung Quốc thăm Nhật Bản để mua sắm.
“Các thiết bị điện tử và mỹ phẩm thường đứng đầu danh sách mua sắm của người Trung Quốc”, chuyên gia Takashima cho biết.
Cuộc khủng hoảng đã khiến chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản sụt giảm mạnh, với cổ phiếu của thương hiệu mỹ phẩm Shiseido đã giảm hơn 5% tại phiên kết thúc ngày 27.1. Khách du lịch Trung Quốc ưa chuộng thương hiệu Shiseido, theo AFP.
"Chúng tôi dự đoán giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm như hiệu ứng domino", Stephen Innes, nhà phân tích chiến lược thị trường tại công ty AxiCorp, nhận định.
Ngoài Nhật Bản, Thái Lan, một điểm đến du lịch hàng đầu khác của người Trung Quốc, cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh. Du lịch chiếm 18% GDP của Thái Lan, với khách du lịch Trung Quốc chiếm hơn 1/4 tổng số khách đến nước này.
Bộ Du lịch Thái Lan cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ có quy mô như SARS, có nguy cơ làm tổn thất khoảng 1,6 tỉ USD cho nền kinh tế, nhất là ở Phuket.
“Tình hình bi đát”
"Trong tháng này, đường phố, cửa hàng và bãi biển đã hoang vắng. Phuket chủ yếu tập trung vào du khách Trung Quốc...
Nếu tình hình tiếp diễn như thế này, tất cả doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng ", ông Claude de Crissey, chủ khách sạn với 40 phòng và một nhà hàng trên đảo Phuket, cho AFP biết.
Dịch bệnh cũng sẽ gây ảnh hưởng đến ngành du lịch ở Úc vốn đang chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng cháy rừng lan rộng.
Tính đến tháng 6.2019, số lượng du khách Trung Quốc tăng gấp đôi trong 6 năm qua, với người dân đại lục hiện chiếm 15% tổng số khách du lịch đến Úc.
Ông Mario Hardy, tổng giám đốc Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết khó có thể ước tính cuộc khủng hoảng vì dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ kéo dài trong bao lâu.
"Tôi nghĩ rằng dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành du lịch trong khoảng 3 - 6 tháng tới, nhưng tùy thuộc vào diễn biến trong vài tuần tới", ông Hardy nói.
Tại Nhật Bản, chủ cửa hàng đồ da Hayato Chiba cho biết doanh nghiệp địa phương ở khu mua sắm Ameyoko của quận Ueno, thủ đô Tokyo kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát.
"Số lượng cửa hàng tại Ameyoko ngày càng tăng nhằm phục vụ du khách nước ngoài nên chúng tôi đang gặp khó khăn", ông Chiba (65 tuổi), đại diện cho khoảng 400 doanh nghiệp địa phương, cho biết.