|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục 732 tỷ USD trong năm 2022

21:15 | 26/12/2022
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Tuy nhiên, sang năm 2023, hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến suy thoái kinh tế và lạm phát leo thang.

Tại hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2022, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Đồng thời, đây cũng là lần đầu kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD.

 Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2022. (Ảnh: H.Mĩ)

Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). 

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng, tăng 4 mặt hàng so với năm 2021. Trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. 

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 Số liệu: Tổng Cục hải quan và Bộ Công Thương (H.Mĩ tổng hợp)

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. 

Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết năm nay ngành Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% so với với năm 2023. 

Tại hội nghị ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng năm 2023, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho kịch bản kinh tế xấu hơn khi lạm phát có thể tăng cao, kinh tế thế giới có thể suy thoái kỹ thuật kéo theo sức mua giảm. Bên cạnh đó, chính sách tài chính, tiền tệ của một số thị trường bị thắt chặt. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tình huống cho khách hàng sẽ khó tính hơn, đặc biệt là với các nước đang có xu hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường.

“Chắc chắn Mỹ và EU sẽ đẩy mạnh việc thực quy định về carbon, quy định khó khăn hơn với hàng nhập khẩu. Chắc chắn các khách hàng sẽ khó tính hơn rất nhiều, không chỉ về thương mại mà còn phi thương thương mại. Ngoài ra, cạnh tranh sẽ ngày càng gắt gao hơn”, ông Vũ nói. 

 

H.Mĩ