|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự kiến chi 229 tỉ đồng cho phòng chống dịch tả heo châu Phi trong năm 2020

12:02 | 25/08/2020
Chia sẻ
Trong năm 2020, dự kiến chi phí phòng chống dịch tả heo châu Phi là gần 229 tỉ đồng. Trong đó, 7 tháng đầu năm, chi phí cho hoạt động này ước khoảng 93 tỉ đồng.

Theo Bộ NN&PTNT, tổng kinh phí dự trù hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh năm 2020 (bao gồm kinh phí hỗ trợ tiêu hủy heo và tổ chức phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, từ ngày 1/1 - 31/12/2020) là gần 229 tỉ đồng. 

Trong đó, kinh phí dự kiến từ nguồn Trung ương là 159,3 tỉ đồng; kinh phí dự kiến từ nguồn địa phương là 69,6 tỉ đồng.

Trong đó, tính riêng trong giai đoạn 7 tháng đầu năm, ước tính kinh phí cho giai đoạn từ ngày 01/01/2020 đến 31/7/2020 là 92,8 tỉ đồng.

Ước tính kinh phí phòng, chống dịch bệnh cho giai đoạn từ ngày 1/8/2020 đến 31/12/2020 là hơn 136 tỉ đồng.

Bộ NN&PTNT cho biết mức hỗ trợ cơ sở chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi với giá 35.000 đồng/kg heo hơi. 

Mức hỗ trợ kinh phí người tham gia phòng, chống dịch không thấp hơn ngày công lao động phổ thông tại địa phương (150.000 đồng/người/ngày làm việc; 250.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ, tết). 

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2020 đến ngày 1/8/2020, cả nước phát sinh 914 ổ dịch (bao gồm 27 ổ dịch phát sinh mới, 347 ổ dịch tái phát và 540 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020) tại 235 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số heo tiêu hủy là 39.443 con, tổng trọng lượng khoảng 1.972 tấn.

Trong tháng 8, bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát tại 09 xã của 4 tỉnh. Tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong tháng là 425 con.

Dự kiến chi 229 tỉ đồng cho phòng chống dịch tả heo châu Phi trong năm 2020 - Ảnh 1.

Biểu đồ thể hiện diễn biến dịch bệnh và số lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2020. (Nguồn: Cục Thú y)

Cục Thú y nhận định bệnh dịch tả heo châu Phi đã cơ bản được kiểm soát; thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; đại đa số (98% số xã có dịch) đã qua 30 ngày, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn heo.

Nhằm bổ sung nguồn cung thiếu hụt, bên cạnh việc tái đàn, nhiều doanh nghiệp cũng đã tăng cường nhập khẩu thịt và heo sống.

Từ ngày 12/6 đến ngày 1/8, đã có 36 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng kí kiểm dịch nhập khẩu hơn 4,7 triệu con heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó, đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 75.334 con heo thịt vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

Ngoài ra, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo vào Việt Nam.

Hiện tại có hơn 800 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo vào Việt Nam.

Về số lượng thịt heo nhập khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt heo các loại chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019.

H.Mĩ