Dự báo sản lượng tiêu thụ đường tăng mạnh, Thành Thành Công - Biên Hòa có thể lãi gần 580 tỷ đồng năm 2019
Thành Thành Công – Biên Hòa tính chi gần 200 tỉ đồng và phát hành hơn 29,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức |
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC – Mã: HCM), doanh thu thuần 2019 của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (Mã: SBT) có thể tăng 17%, đạt 11.993 tỷ đồng.
Doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ tác động của sáp nhập nhưng cũng phản ánh tăng trưởng nội tại nhờ hợp nhất nhà bán lẻ đầu ngành là Mía đường Biên Hòa (BHS).
Đối với mảng đường chủ chốt, HSC dự báo sản lượng tiêu thụ đường đạt 700.000 tấn (tăng trưởng 23%) với giá bán bình quân là 15.240.000 đồng/tấn (giảm 4%), đạt doanh thu 10.673 tỷ đồng (tăng trưởng 18%). Nguyên nhân là do 5/41 nhà máy đường tinh luyện địa phương (cho tổng sản lượng khoảng 300.000 - 350.000 tấn) đóng cửa trong vụ mùa 2018, tạo điều kiện cho SBT gia tăng thị phần. Số lượng các nhà máy đường tinh luyện ngừng hoạt động nhiều khả năng sẽ tăng lên trong vụ mùa tới, đặc biệt là các cơ sở có quy mô nhỏ với công suất dưới 3.000 TCD do áp lực mở cửa thị trường theo ATIGA.
Ở mảng B2B (kinh doanh thương mại điện tử), SBT sẽ tập trung vào gia tăng thị phần tiêu thụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là bộ phận khách hàng đang tiêu thụ đường không có thương hiệu và/hoặc thương hiệu địa phương với chất lượng thấp hơn. Công ty ước tính nhu cầu từ bộ phận này sẽ tăng thêm 100.000 tấn trong năm 2019.
Ở mảng bán lẻ, SBT sẽ mở rộng phạm vi bao phủ của mình, đặc biệt là ở thị trường miền Bắc bằng việc tận dụng kênh phân phối của BHS. SBT dự kiến nâng số điểm bán hàng từ 51.000 hiện nay lên 60.000 trong năm 2019.
HSC dự báo doanh thu mật rỉ đạt 365 tỷ đồng (tăng 5%), doanh thu phát điện tăng 15% đạt 192 tỷ đồng nhờ việc cải tiến nhà máy nhiệt điện trong vụ ép 2017/2018 đem lại hiệu quả. Đồng thời, lợi nhuận gộp có thể đạt 1.557 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp là 13% (năm 2018 là 12,9%) do giá đầu vào giảm bù đắp cho việc giá bán bình quân giảm.
Nhờ đó, HSC ước tính lợi nhuận sau thuế công ty mẹ có thể tăng trưởng 6% đạt 579 tỷ đồng. Sau sáp nhập, SBT trở thành công ty lớn nhất trong ngành đường với 40% thị phần, áp đảo ở cả phân khúc bán buôn và bán lẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ vẫn ở mức cao kéo theo gánh nặng chi phí tài chính lớn.
Trước sáp nhập, SBT chủ yếu bán đường cho các đơn vị bán buôn trong khi đó BHS khá mạnh về bán lẻ. Sau sáp nhập, SBT đã hợp nhất hệ thống phân phối của BHS và kết hợp doanh thu hai công ty, chiếm 40% thị phần. Các kênh phân phối được cân bằng giữa B2B, B2C, thương mại và xuất khẩu. Công ty có 88 đơn vị phân phối và hơn 50.000 điểm bán hàng gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và bách hóa. SBT đặt mục tiêu giành được 50% thị phần vào năm 2020 với sản lượng tiêu thụ 1,23 triệu tấn, tương đương tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 29%. |