|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 3/9: Ba miền sẽ tiếp tục biến động trái chiều?

18:30 | 02/09/2021
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (2/9) điều chỉnh 1.000 - 5.000 đồng/kg một số tỉnh thành trên cả nước. Dịch bệnh khiến ngành chăn nuôi Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thiếu nhân công, chuồng trại để tái đàn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất vốn.

Giá heo hơi hôm nay tăng - giảm trái chiều

Tại miền Bắc, giá heo hơi đồng loạt đi xuống trong hôm nay. Cụ thể, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Nam, Bắc Giang, TP Hà Nội và Hưng Yên giảm lần lượt từ 2.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg về khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Tương tự, Tuyên Quang, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình đang giao dịch ở mức thấp nhất khu vực là 50.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg so với hôm qua.

Thị trường heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên tiếp đà giảm trong hôm nay. Theo đó, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Thuận cùng giảm 1.000 đồng/kg, hiện giao dịch chung mốc 54.000 đồng/kg. Hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 52.000 đồng/kg. Hiện khoảng giá phổ biến ở các địa phương trong khu vực là từ 51.000 đồng/kg đến 54.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại miền Nam tương đối ổn định trong hôm nay. Các địa phương gồm Vũng Tàu, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh và Bến Tre tiếp tục neo tại mức 53.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Đồng Tháp điều chỉnh tăng nhẹ một giá lên ngưỡng cao nhất khu vực là 55.000 đồng/kg.

Dự báo giá heo hơi ngày 3/9: Ba miền sẽ tiếp tục biến động trái chiều? - Ảnh 1.

Nguồn: istockphoto

Ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19

Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, chi phí cho lưu thông vận chuyển hàng hóa đều tăng, lợi ích giữa 3 khâu: sản xuất - lưu thông - tiêu dùng khó hài hòa. Từ đó, các sản phẩm chăn nuôi có hiện tượng khan hiếm cục bộ, sản phẩm quá lứa, quá thời gian nuôi ứ đọng tại nơi sản xuất, nên thiếu chuồng trại để tái đàn.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn thừa nhận, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi hiện đứng trước nguy cơ mất vốn, bởi cả tổng cung lẫn tổng cầu đều giảm sút. Ông cho rằng, chỉ khi các tỉnh, thành phố kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9, tổng cầu mới tăng trở lại, kéo theo tổng cung, theo báo Nông Nghiệp Việt Nam.

“Ngành chăn nuôi đang gặp hai vấn đề, đó là dịch bệnh và thị trường. Chúng ta cần cái nhìn tổng thể, khách quan, để có giải pháp căn cơ, phù hợp với cả định hướng trước mắt lẫn tương lai lâu dài. Rõ ràng, COVID-19 đã làm thay đổi cục diện chăn nuôi toàn cầu, trong đó có nước ta", ông Sơn nhấn mạnh.

Nhằm giữ đà tăng trưởng 5 - 6% và đạt sản lượng thịt 5,8 triệu tấn trong năm 2021, ông Sơn kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan thúc đẩy việc sản xuất thức ăn trong nước, giảm chi phí vận chuyển và các thủ tục hành chính, đồng thời có chính sách hỗ trợ sâu, sát với người lao động trong nhà máy, cơ sở sản xuất.

Nhã Lam