|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 21/9: Giá thu mua vẫn sẽ chững lại vào ngày mai?

18:30 | 20/09/2022
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (20/9) ghi nhận nhiều tỉnh thành tiếp tục có giá đi ngang. Từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã và đang chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định, bền vững.

Giá heo hơi hôm nay chững lại tại nhiều tỉnh thành trên cả nước

Giá heo hơi tại miền Bắc ghi nhận không có biến động mới trong hôm nay. Theo đó, một số địa phương như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và TP Hà Nội tiếp tục thu mua trong khoảng 62.000 - 66.000 đồng/kg. Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình vẫn giữ nguyên tại ngưỡng 67.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Hiện tại, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên và Hà Nam đang thu mua heo hơi ở mức 65.000 đồng/kg. 

Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi chững lại trên khắp các tỉnh thành trong khu vực. Cùng giao dịch chung mức 63.000 đồng/kg gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Khánh Hòa. Còn tại Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, giá heo hơi neo ở mức 65.000 đồng/kg. Mốc giá thấp nhất khu vực đang là 58.000 đồng/kg, ghi nhận tại hai tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk.

Thị trường heo hơi miền Nam hôm nay đi ngang tại các tỉnh thành trong khu vực. Trong đó, Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Kiên Giang và Cần Thơ đang giao dịch với giá 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bạc Liêu đi ngang khi giao dịch với giá 62.000 đồng/kg. Tây Ninh và Long An tiếp tục giữ nguyên giá không đổi, lần lượt ghi nhận mốc 58.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg.

Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể giảm vào ngày mai do thị trường nhìn chung đang tụt dốc và chưa có dấu hiệu dừng lại.  

Ảnh minh họa: Nhã Lam 

Thanh Hóa: Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; trong đó, 8 tháng năm 2022, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án chăn nuôi công nghệ cao, với quy mô hơn 10 nghìn con heo nái, 24 nghìn con heo thịt, 360 nghìn con gia cầm/năm. 

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khi các dự án chăn nuôi đi vào hoạt động đủ quy mô, công suất sẽ nâng tổng đàn heo của tỉnh trong giai đoạn 2025 - 2030 lên 2,2 triệu con, gấp đôi so với tổng đàn hiện nay và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, theo báo Thanh Hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật mà ngành chăn nuôi đã đạt được trong những tháng đầu năm 2022, thì còn một số khó khăn làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thịt heo nhiều biến động, việc áp dụng quy trình sản xuất hiện đại còn hạn chế… 

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc cả nước còn diễn biến rất phức tạp nên nguy cơ bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao. Giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y còn sẽ tiếp tục tăng; thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn không ổn định,… Vì vậy, để thực hiện tốt việc phát triển chăn nuôi, cần xác định công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tiêm phòng vắc xin là nhiệm vụ trọng tâm. 

Nhã Lam