Dự báo giá heo hơi (1/8): Giá heo Việt Nam vẫn cao thứ hai trên thế giới sau Hàn Quốc
Dự báo giá heo hơi (1/8)
Theo ghi nhận, giá heo hơi biến động khoảng 1.000 - 2.000 đồng tại miền Trung và miền Nam, đưa giá tại nhiều nơi lên 50.000 - 51.000 đồng/kg. Tại Thanh Hóa, giá heo hơi còn lên đến 55.000 - 55.500 đồng/kg. Trong khi, giá heo tại miền Bắc đi ngang và trung bình đạt 54.000 đồng/kg.
Dự báo giá heo hơi tại miền Bắc sẽ tiếp tục ổn định vì nguồn cung khan hiếm được cải thiện.
Trên thị trường Trung Quốc, giá heo hơi trung bình không đổi ở mức 12,82 nhân dân tệ/kg (khoảng 43.800 đồng/kg), với số tỉnh giảm giá vượt trội so với tăng giá. Hiện, giá heo hơi cao nhất là tại Chiết Giang, trung bình không đổi ở 13,76 nhân dân tệ/kg (tương đương 46.937,63 đồng/kg); trong khi mức giá thấp nhất là tại Hắc Long Giang, trung bình giảm 0,03 nhân dân tệ/kg xuống 12,01 nhân dân tệ (tương đương 40.968,09 đồng/kg).
Báo cáo từ Genesus cho thấy, trong tuần tính đến ngày 26/7, giá heo hơi tại Việt Nam, ở mức 97,92 US cent/pound, vẫn đang đắt thứ hai thế giới chỉ sau Hàn Quốc, đạt 1,34 USD/pound. Trong khi Trung Quốc xếp thứ 5, đạt 79,95 US cent/pound.
Báo cáo GAINS của USDA cho biết, khối lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2017 - 2018 nhờ ngành chăn nuôi phục hồi và tăng trưởng ngành thủy sản mạnh mẽ.
Cụ thể, trong năm tài chính 2017 - 2018, báo cáo điều chỉnh tăng khối lượng lùa mì nhập khẩu của Việt Nam từ 4,2 triệu tấn lên 4,5 triệu tấn, tăng 300.000 tấn so với ước tính chính thức từ USDA. Trong khi đó, dự báo khối lượng lúa mì nhập khẩu trong năm tài chính 2018 - 2019 là không đổi so với ước tính chính thức từ USDA.
Còn khối lượng bã rượu ngô (DDGS) nhập khẩu ước đạt 690.000 tấn và dự báo tăng lên 1 triệu tấn vào năm 2018 - 2019. Nhập khẩu DDGS đã tăng mạnh nhờ nhu cầu cao từ ngành thức ăn chăn nuôi nội địa, sau khi lệnh ngừng nhập khẩu DDGS có nguồn gốc từ Mỹ được gỡ bỏ vào tháng 9/2017.
DDGS được sử dụng cho cả nguồn cung cấp năng lượng và protein trong thức ăn chăn nuôi.