Dự án khu công nghệ cao TP HCM: Đối thoại với dân để sửa sai
Đối thoại từng hộ dân…
Buổi gặp gỡ đối thoại của lãnh đạo TPHCM không cho phép báo chí tham dự. Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết tại buổi tiếp xúc này, ông Nguyễn Thành Phong tiếp 1 trong 3 nhóm hộ dân khiếu nại, tố cáo. Từng hộ dân được lãnh đạo UBND TPHCM tiếp riêng.
Lãnh đạo TPHCM đã và sẽ gặp gỡ, đối thoại với người dân trong 3 ngày 31/7, 1 và 2/8 để ghi nhận ý kiến và nguyện vọng liên quan đến các chính sách thu hồi đất, bồi thường giải tỏa. Đến nay, tại dự án khu CNC vẫn còn hàng chục trường hợp người dân khiếu kiện và chưa đồng ý nhận tiền bồi thường.
Trao đổi với Tiền Phong tối cùng ngày, ông Trần Lực, một trong những trường hợp tham dự buổi đối thoại cho biết đã đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM làm rõ lý do vì sao không công khai bản đồ quy hoạch sử dụng đất của dự án khu CNC, đồng thời ban hành quyết định thu hồi các quyết định cũ liên quan đến dự án khu CNC mà kết luận của Thanh tra Chính phủ TTCP xác định là trái quy định pháp luật.
Dự án khu CNC có quy mô hơn 913 ha (trong đó có 112 ha đất sông, rạch, giao thông). Từ năm 2002, UBND quận 9 đã bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 3.110 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng nhiều người dân vẫn đang khiếu nại, chưa bàn giao mặt bằng.
Sai phạm tại dự án khu CNC đã nhiều lần được TTCP làm rõ và có kết luận. Tháng 2/2008, TTCP có kết luận thanh tra số 256 xác định trong quá trình triển khai dự án khu CNC, UBND TPHCM đã để xảy ra thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến khiếu kiện.
Một số nội dung tố cáo của người dân qua xác minh là có cơ sở như TPHCM thực hiện không đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, không ban hành các quyết định thu hồi đất. Việc công khai bản đồ quy hoạch có nhiều sai sót dẫn tới khiếu kiện phức tạp, kéo dài của người dân và làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án quan trọng này.
Đáng lưu ý, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, ngày 30/8/2017, TTCP tiếp tục có thông báo kết luận số 2138 về kết quả kiểm tra, xem xét khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân liên quan đến thu hồi, sử dụng đất dự án khu CNC.
Vụ Thủ Thiêm thứ hai…
Kết luận của TTCP xác định UBND TPHCM ban hành Quyết định số 2666 ngày 27/6/2002 thu hồi và giao đất lần thứ nhất để thực hiện xây dựng khu CNC quy mô 804 ha tại 5 phường Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B (quận 9) là đúng thẩm quyền và phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, việc UBND TP mở rộng thu hồi và giao đất tại Quyết định số 2717 ngày 18/7/2003 với diện tích 6,9 ha và Quyết định 2193 ngày 19/5/2004 với diện tích khoảng 102 ha khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể khu CNC là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng trình tự, thủ tục thu hồi và giao đất.
Trong 3 quyết định thu hồi đất của UBND TPHCM lần lượt mang các số 2666 (804 ha), số 2717 (6,9 ha), số 2193 (102 ha) và Quyết định số 989 ngày 4/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ (800ha) không có tên phường Hiệp Phú nhưng thực tế TPHCM đã thu hồi đất tại phường Hiệp Phú và không thu hồi đất ở phường Phước Long B theo quy định.
Đến lúc các hộ dân bị thu hồi đất khiếu nại gay gắt thì 8 năm sau UBND TPHCM mới ban hành Quyết định số 4877 điều chỉnh, bổ sung địa danh đất thu hồi, thay đổi tên phường Phước Long B thành phường Hiệp Phú đồng thời thực hiện bổ sung một số thủ tục và kiến nghị Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án đầu tư từ 804 ha thành 913 ha...
Kết luận của TTCP cũng xác định Chủ tịch UBND TPHCM khi thực hiện dự án đã có thiếu sót là không lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư, dẫn đến việc khiếu nại bức xúc kéo dài của nhiều hộ dân bị thu hồi đất.
Đặc biệt, TTCP xác định việc Ban Quản lý khu CNC và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 lập thủ tục rút vốn bồi thường của dự án từ tài khoản Kho bạc Nhà nước về 2 ngân hàng tại quận 9 để thực hiện bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án và chuyển tiền theo tiến độ mua các khu tái định cư là không đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.