Dự án khách sạn trên 'đất vàng' giữa Thủ đô bỏ hoang hơn 20 năm
Khu đất của dự án khách sạn Indochine Ha Noi nhìn từ trên cao. |
Lô đất đắc địa bỏ hoang, bất ngờ “động đậy”
Lô đất vàng này rộng 1.500 m2, bám mặt đường Trần Khát Chân, thuộc phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Vị trí này chỉ cách hồ Hoàn Kiếm đúng 2 km theo đường chim bay. Vị trí đắc địa của dự án còn thể hiện qua việc đất mặt tiền tuyến phố này đang được rao bán từ 300-500 triệu đồng/m2.
Nhiều năm nay, khu đất được rào tôn, bên trong cây cối mọc hoang với nhiều khu vực còn tranh chấp. Ngày 18/10 vừa qua, nhà thầu xây dựng, lực lượng chức năng cho chặt cây cối, phá bỏ nền nhà, tường rào cũ để đổ nền bê tông, quây tường rào.
Việc xây dựng tường bao đã xong hơn 1 tháng nay nhưng xung quanh khu đất siêu đắc địa này không có một biển bảng nào ghi thông tin về dự án. Chỉ những người liên quan, còn khiếu nại về khu đất này mới biết, đây là dự án khách sạn 3 sao, cao 18 tầng có tên Indochine Ha Noi được cấp phép đầu tư hơn 22 năm trước.
Khu đất được cấp cho Công ty liên doanh khách sạn Indochine Ha Noi hiện là khu đất liền khoảnh, diện tích lớn duy nhất còn xót lại cạnh đường Trần Khát Chân. |
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng xác nhận việc chính quyền quận đảm bảo an ninh trật tự cho việc xây tường bao, dọn dẹp khu đất này với mục tiêu chính là tránh ô nhiễm môi trường. Chủ đầu tư dự án là ai, khi nào triển khai, lãnh đạo văn phòng UBND quận này nói rằng “không biết” (?).
Lật lại hồ sơ cho thấy, đây là dự án liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, được lập từ năm 1993. Lúc đó, cùng với việc xây dựng đường Trần Khát Chân, UBND TP Hà Nội triển khai chủ trương “lấy đường nuôi đường”, “lấy đô thị nuôi đô thị” thông qua việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng xung quanh tuyến đường, đổi lại, doanh nghiệp được giao hoặc cho thuê đất.
Tổng Cty Chè Việt Nam – một doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT hưởng ứng. Doanh nghiệp này muốn có 1.500 m2 đất mặt đường Trần Khát Chân và chấp thuận đóng cho Ban Quản lý công trình xây dựng quận Hai Bà Trưng lúc đó 1.800 cây vàng (đơn giá 1,2 cây vàng/m2).
Tiếp đó, Văn phòng kiến trúc sư trưởng thành phố giới thiệu vị trí lô đất trên. Ban đầu, dự án được đặt tên “khách sạn Hương chè”. Sau đó, công ty này liên doanh với một doanh nghiệp của Malaysia để xây khách sạn 3 sao, cao 18 tầng mang tên “Indochine Ha Noi”. Liên doanh này được cấp giấy phép đầu tư vào năm 1995, ký hợp đồng thuê đất năm 1996 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau hơn 20 năm, vì nhiều lý do khác nhau, cả chủ quan và khách quan, dự án không triển khai. Thậm chí, có lúc, địa chỉ đăng ký hoạt động của liên doanh không tồn tại, các cơ quan chức năng và người có quyền lợi liên quan đến dự án này phải đăng báo, đài phát thanh để tìm chủ đầu tư dự án.
Vì thế, việc có người xưng danh chủ đầu tư dự án triển khai xây dựng tường bao với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng là tín hiệu bất ngờ. Động thái này tất nhiên có liên quan đến việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các sở ngành, quận huyện rà soát các dự án chậm triển khai.
Vướng vòng xoáy khiếu kiện, liên doanh đổi chủ
Như đề cập ở trên, chủ đầu tư khách sạn Indochine Hà Nội bị đăng tin tìm kiếm trên báo chí. Việc này do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và các cá nhân có liên quan với khu đất thực hiện.
Có việc như trên vì nhiều vướng mắc pháp lý xảy ra với dự án này. Nguồn gốc lô đất đất ban đầu được xác định là đất của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đồng Thanh quản lý, sử dụng và HTX này đã nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, khi nhận đất, hộ gia đình ông Phạm Văn Gang lại khẳng định đất của họ, không phải của HTX nên không giao đất, bị giải tỏa lại tái chiếm.
Phía ngoài khu đất được quây kín không hề có thông tin về dự án. |
Trong các bản thanh tra của các cấp những năm 2000, các cơ quan thanh tra cũng đánh giá, việc dự án triển khai chậm không chỉ do người dân khiếu nại mà có nguyên nhân chậm trễ của liên doanh nhà đầu tư. Sau đó, năm 2003, ông Gang kiện liên doanh ra tòa, phải đến năm 2013, khi tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên ông Gang thua kiện sự việc mới tạm lắng.
Tuy nhiên, ngay từ năm 2012, dự án này lại tiếp tục vướng vào vụ kiện của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bốc, sát cạnh dự án. Gia đình ông Bốc có các tài liệu chứng minh và cơ quan chức năng xác nhận gia đình ông có 880 m2 đất. Nhưng hiện nay, diện tích gia đình ông Bốc bị thiếu 135 m2 và cho rằng đã bị cấp trùng sang dự án khách sạn Indochine Ha Noi. Gia đình ông Bốc khởi kiện UBND TP Hà Nội, yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách sạn.
Qua gần 6 năm thụ lý vụ án thứ 2 liên quan đến dự án, liên doanh có lúc không còn địa chỉ liên lạc. Tòa nhiều lần phát thông báo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh trên báo chí để tìm. Gia đình ông Bốc cũng đăng tin tìm chủ đầu tư khách sạn nhiều lần nhưng không được.
Tình hình có dấu hiệu chuyển biến khi xuất hiện một ông chủ mới của dự án là Cty cổ phần Sông Châu (trụ sở tại tỉnh Hà Nam). Vào năm 2011, tức là khi dự án chỉ còn 15 năm để xây dựng và kinh doanh, thu hồi vốn, kiếm lời, Sông Châu đã quyết mua lại phần góp vốn (cũng là quyền sử dụng đất) của Tổng Cty Chè Việt Nam. Từ lúc này, Cty Sông Châu trở thành người đại diện của liên doanh để giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, với hàng loạt các điểm còn mâu thuẫn trọng vụ án như: Vì sao cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho liên doanh khách sạn bỏ qua một số quy trình, không lấy xác nhận của hộ liền kề như nhà ông Bốc; việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Cty Sông Châu khi dự án đang tranh chấp có đúng hay không? Vì sao UBND quận Hai Bà Trưng lại cho phép xây dựng công trình khi đang có tranh chấp, làm thay đổi hiện trạng vụ án?... Những khúc mắc đó không dễ giải quyết nếu các bên không nhập cuộc quyết liệt, rốt ráo. Nếu vậy, lô "đất vàng" rộng lớn đó vẫn trơ lỳ, lãng phí.
Theo tài liệu thu thập của tòa án, từ khi ký hợp đồng thuê đất đến nay, Tổng Cty chè Việt Nam chưa thanh toán tiền thuê 1.500 m2 đất của dự án theo năm với đơn giá 5,3 USD/m2/năm. (Hiện nay, tổng Cty chè Việt Nam đã cổ phần hóa; trước khi cổ phần hóa đã hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần dự án này cho Cty Sông Châu). Ngoài việc chưa thu được tiền thuê đất, việc chậm triển khai, chậm đưa dự án vào hoạt động khiến nhà nước thất thu các khoản thuế, phí khác. |