|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn 2.000 tỷ đồng 10 năm vẫn 'treo giấy'

14:58 | 08/10/2018
Chia sẻ
Người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt, kinh doanh vì dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn 2.000 tỷ đồng (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) “treo” gần 10 năm qua.
 

Tìm hiểu của chúng tôi, năm 2009, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định số 4064/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn kèm theo bản vẽ tổng mặt bằng quy hoạch, tỷ lệ 1/2000 do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và thực nghiệm kiến trúc xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM lập.

Vị trí quy hoạch dự án thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn với phía đông giáp đường Sơn Trà - Điện Ngọc, phía tây giáp sông Cổ Cò, phía nam giáp sông Cổ Cò, làng đá mỹ nghệ Non Nước và phía bắc giáp khu dân cư quy hoạch. Tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch là 138,9426ha.

du an cong vien van hoa lich su ngu hanh son 2000 ty dong 10 nam van treo giay
Khu vực quy hoạch Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Văn Luận)

Hình thái không gian Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được cấu trúc theo ý tưởng kết nối 5 ngọn núi của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ Sơn) với sông Cổ Cò và Biển Đông.

Khi xây dựng Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn sẽ có các khu chức năng như: Khu Trung tâm lễ hội; Khu Bảo tàng đá - Công viên Ngũ Hành; Khu Chùa Quán Thế Âm; Khu Làng hành hương và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng; Khu Vườn tượng; Khu buôn bán đá mỹ nghệ; Khu Danh thắng bảo tồn; Bãi xe.

Đi cùng với đó là tái cấu trúc không gian làng đá mỹ nghệ Non Nước; hình thành Bảo tàng đá duy nhất tại Việt Nam; hình thành Công viên truyền thuyết Ngũ Hành Sơn; kiến tạo lễ hội Quán Thế Âm lên tầm quốc gia; kết hợp xây dựng Làng hành hương và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Trả lời báo chí, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH&TT TP Đà Nẵng cho biết, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn khoảng 2.000 tỷ đồng.

Dự án này đã được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của TP. Lãnh đạo mời chào dự án tại nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư, có một số đơn vị ngỏ ý muốn tìm hiểu dự án rồi im lặng mà không hiểu nguyên nhân.

du an cong vien van hoa lich su ngu hanh son 2000 ty dong 10 nam van treo giay
Một nhà dân đã giải tỏa, nhận tiền nhưng nhà cũ vẫn đang là nơi kinh doanh giữ xe dưới chân núi danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Văn Luận)

Ông Huỳnh Cự, Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện nay công tác đền bù giải tỏa mới khoảng hơn 500 hộ dân trong 2.000 hộ cần giải tỏa.

Do chưa tìm kiếm được nhà đầu tư nào, dự án cứ “treo” nhiều năm qua khiến người dân trong khu vực quy hoạch sống khổ sở vì không thể cơi nới, sửa chữa, xây nhà mới để sinh hoạt, kinh doanh.

Chúng tôi đã đến đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) để ghi nhận hiện trạng, ý kiến người dân sinh sống trong vùng quy hoạch dự án.

Ở bên trái đường Huyền Trân Công Chúa hướng từ đường Lê Văn Hiến đi vào danh thắng Ngũ Hành Sơn, có khoảng 40 nhà dân đã được kiểm kê nhà cửa, vật dụng, kiến trúc, đề nghị di dời nhưng một số vẫn ở lại.

Nguyên nhân là họ chưa nhận tiền, hoặc đã nhận tiền nhưng dự án chưa triển khai nên ở lại sinh hoạt, kinh doanh.

Một phụ nữ giữ xe dưới danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, gia đình chị đã nhận tiền đền bù, giải tỏa nhưng vẫn ở lại lấy nhà cũ làm nơi kinh doanh.

"Về nơi ở mới không có kế sinh nhai, dự án chưa triển khai nên tôi quay lại trông giữ xe kiếm đồng lo cuộc sống. Bao giờ TP thông báo làm tiếp dự án thì tôi chấp hành", người phụ nữ này nói.

Ông Hai, hộ dân ở số nhà 58 Huyền Trân Công Chúa, cho biết, từ năm 2009, khi có thông tin quy hoạch dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, ông và người dân sinh sống dưới chân núi Ngũ Hành Sơn rất phấn phởi, chờ đợi dự án triển khai.

Tuy nhiên, đến nay gần 10 năm chưa thấy “động tĩnh gì” sau khi kiểm kê nhà cửa.

du an cong vien van hoa lich su ngu hanh son 2000 ty dong 10 nam van treo giay
Một ngôi nhà trong vùng quy hoạch dự án đã đập bỏ. (Ảnh: Văn Luận)

“Năm 2009, chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức họp, tiếp xúc cử tri, trình bày dự án rất quy mô. Sau đó một số nhà dân đã kiểm kê giải tỏa. Tuy nhiên, dự án bỗng dừng lại mà không thấy giải tỏa, di dời gì những hộ dân khác.

Do vướng quy hoạch từ lâu nay nên người dân không thể sữa chữa nhà ở khiến điều kiện kinh doanh, sinh hoạt rất khổ sở. Có những nhà đông con không thể cho đất, cất nhà mới", ông Hai chia sẻ.

Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và Viện Quy hoạch thành phố triển khai đề án quy hoạch chi tiết lại Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Thời gian tiếp tục triển khai dự án trở lại phải chờ thông báo từ UBND TP Đà Nẵng.

Xem thêm

Văn Luận