|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án cắt nát quy hoạch ven sông Sài Gòn

07:13 | 17/11/2018
Chia sẻ
Hiện nay, tình trạng san lấp, lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn để xây dựng hầu như không được quan tâm đúng mức. Thậm chí, nhiều đoạn sông Sài Gòn chảy qua quận Thủ Đức, quận 2 bị xâm lấn bởi các dự án nhà ở biệt thự cao cấp vẫn chưa thể xử lý rốt ráo... 

Trước thực trạng trên, UBND TP HCM đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với Sở Du lịch, Sở Giao thông - Vận tải, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, Ban quản lý Khu đô thị Nam TP HCM, 9 quận huyện và Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - đơn vị nghiên cứu lập đồ án quy hoạch dọc sông Sài Gòn) rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng dọc tuyến sông này.

du an cat nat quy hoach ven song sai gon
Không có hành lang, nhà ven sông có thể sụt lún bất cứ lúc nào.

Kết quả sơ bộ cho thấy, tuyến sông Sài Gòn đã được phủ kín quy hoạch với 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại – dịch vụ, khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí, với diện tích thống kê chưa đầy đủ khoảng hơn 454 ha. Đặc biệt, trong đó có 76 công trình đã xây dựng ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông, rạch theo quy định hiện hành.

Theo Quyết định số 150/2004 (ngày 9/6/2004) của UBND TP HCM quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TP HCM, sông Sài Gòn có hành lang bảo vệ bờ sông rộng từ 30m đến 50m (tùy đoạn). Tuy nhiên, hiện nhiều dự án được cấp phép xây dựng đã vi phạm điều này. Như công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn (Riverside – Khu A) có 13 công trình nhà ở chỉ cách sông 7,5m. Công trình này đã được cấp phép từ năm 1995.

Tương tự là 11 lô đất trong đó có 9 công trình nhà ở của Công ty TNHH Văn Minh đã được kiến trúc sư trưởng TP HCM thỏa thuận quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 1998 với hành lang bảo vệ sông rộng chỉ có 10m. Công ty TNHH xây dựng Thế Minh có 17 lô đất trong đó có 7 công trình nhà ở đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 1998 chỉ có hành lang bảo vệ sông 15m so với 50m như quy định hiện nay.

Công ty TNHH Hải Vương có giấy phép xây dựng từ năm 1996 với hành lang bảo vệ sông chỉ từ 12m – 20m cho 8 lô đất trong đó có 3 công trình nhà ở. Công ty TNHH Sài Gòn Riviera có 1 công trình nhà phụ trợ cách sông 10m; Công đoàn Công ty Thép Miền Nam có 5 công trình tạm, cách sông 20m. Công ty TNHH XD Bảo Tiến có khoảng 11 lô đất (cách sông 26m); Công ty XD-KD Nhà Phú Nhuận có 20 lô đất với hành lang chỉ có 20m so với yêu cầu của quy định mới là 50m...

Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do một số dự án được phê duyệt quy hoạch theo nhiều thời điểm khác nhau trước năm 2004, nên chiều rộng hành lang bờ sông không phù hợp với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, Sở cũng thừa nhận, tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào các mục đích cá nhân (các công trình phụ trợ, các công trình nhà ở tư nhân), xây dựng bến neo đậu cano, kinh doanh nhà hàng, quán café... còn phổ biến, nhất là tại các khu vực có mật độ đô thị hóa cao, nhưng hiện chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Bày tỏ lo ngại về tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, hành lang bờ sông không đảm bảo sẽ tạo ra hiện tượng sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy. Các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra và sàng lọc đối với các vi phạm, đặc biệt, phải xử lý nghiêm đối với các công trình vi phạm, yêu cầu tháo dỡ, trả lại hành lang cho bờ sông theo đúng quy hoạch.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho biết, tính định hướng, kết nối và khai thác cảnh quan không gian 2 bên bờ sông chưa được quan tâm đúng mức (do chưa có quy hoạch và thiết kế đô thị mang tính tổng thể xuyên suốt toàn bộ tuyến sông); chưa đặt dòng sông là trung tâm trong nghiên cứu phương án tổ chức không gian cảnh quan 2 bên bờ. Một sổ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trong nhiều giai đoạn, theo các căn cứ pháp lý khác nhau nên thiếu đồng bộ. Chất lượng một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 còn yếu, chưa có giải pháp khai thác giá trị cảnh quan ven sông để phục vụ cho các hoạt động công cộng (thiếu lối tiếp cận công cộng đến công viên hành lang bờ sông).

Xem thêm

Ngọc Hậu (Bài và ảnh)