Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn vướng giải phóng mặt bằng
Báo Chính phủ đưa tin, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai khẩn trương xem xét, giải quyết vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 để Viettel sớm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh.
Về tổng thể, tiến độ triển khai dự án còn chậm, trong đó công tác giải phóng mặt bằng không đáp ứng tiến độ cam kết với Thủ tướng Chính phủ.
Để bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Báo Giao thông, cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017. Dự án có chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm ba dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14 đã thông qua chủ trương chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với ba dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Như vậy, trong tổng số 11 dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, có 6 dự án thành phần đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP.