|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án BOT Quốc lộ 26 ở Đắk Lắk làm nứt nhà dân, chủ đầu tư phủi trách nhiệm ​

07:20 | 22/06/2020
Chia sẻ
UBND xã Ea Đar đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư giải quyết bồi thường cho dân và công ty cũng nhiều lần cam kết hỗ trợ nhưng lại không thực hiện.

Gần 100 hộ dân ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bức xúc vì Công ty CPĐT và Xây dựng 501 (trụ sở thành phố Đà Nẵng) thi công dự án BOT quốc lộ 26 làm hư hại nhà cửa và các công trình dân sinh. Hơn 3 năm qua, người dân gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi nhưng sự việc chưa được giải quyết.

Dự án BOT Quốc lộ 26 ở Đắk Lắk làm nứt nhà dân, chủ đầu tư phủi trách nhiệm ​ - Ảnh 1.

Nhà của hộ ông Hồ Thủy Chung ở thôn 8 bị nứt làm đôi.

Ông Hồ Thủy Chung ở thôn 8, xã Ea Đar (huyện Ea Kar) than thở, từ khi dự án BOT Quốc lộ 26 thi công, căn nhà cấp 4 của ông nứt toác. Hơn ba năm qua, gia đình đã gửi đơn kêu cứu nhiều nơi, nhưng đến nay vẫn phải sống cảnh tạm bợ.

"Khi họ làm đường sử dụng máy lu rung đầm mạnh làm nhà tôi nứt toác hết từ nóc xuống móng. Mưa gió nước chảy vào nhà ngập ướt hết, còn sợ nhà sập. 

Nhiều khi ở trong nhà mà cứ như ngoài trời, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của gia đình. Nhiều lần xã yêu cầu họ lên họp mà có giải quyết cho dân đâu. 

Họ trây ì trốn tránh trách nhiệm không muốn bồi thường. Nhà tôi không có tiền tu sửa nên cứ để vậy ở, việc sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn", ông Chung nói.

Dự án BOT Quốc lộ 26 ở Đắk Lắk làm nứt nhà dân, chủ đầu tư phủi trách nhiệm ​ - Ảnh 2.

Nhà bị nứt, xuống cấp nguy hiểm, nhiều hộ dân đã phải vay tiền từ ngân hàng về để sửa lại toàn bộ ngôi nhà.

Chung cảnh ngộ, nhưng không thể chờ được đền bù, gia đình ông Nguyễn Dư Phúc ở thôn 8, xã Ea Đar, đã phải vay tiền từ ngân hàng về để sửa lại toàn bộ ngôi nhà. 

Ông Nguyễn Dư Phúc bức xúc, nhà sửa cả trăm triệu đồng mà công ty cho người xuống nói hỗ trợ ba triệu đồng là không thỏa đáng.

"Năm vừa rồi gia đình không ở được vì nước dột vào nhà nên phải đi vay gần 100 triệu từ ngân hàng về sửa chữa nhà để ở. Bên BOT họ nói là bồi thường do đơn vị thi công chứ không phải họ. Họ nói chỉ hỗ trợ 3 – 4 triệu đồng thì làm được gì. 

Như nhà tôi thì phải ở mức 30 – 40 triệu, tương đương 30-40% tiền sửa. Bên BOT họ cứ đổ qua đổ lại cho đơn vị thi công, trách nhiệm không phải ở họ", Phúc bức xúc.

Dự án BOT Quốc lộ 26 ở Đắk Lắk làm nứt nhà dân, chủ đầu tư phủi trách nhiệm ​ - Ảnh 3.

Dù sửa mất gần 100 triệu đồng, nhưng nhà của hộ ông Nguyễn Dư Phúc vẫn chưa hết nứt.

Dự án BOT quốc lộ 26 đoạn qua huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk nối với thị trấn Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, có chiều dài khoảng 48 km, hoàn thành từ tháng 10/2017. 

Công trình do Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng 501, ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thanh Huấn - Chủ tịch UBND xã Ea Đar, huyện Ea Kar, khi làm đường, các đơn vị thi công sử dụng các loại máy lu, đầm, rung loại lớn, gây sụt lún, nứt công trình nhà ở của 92 hộ dân dọc hai bên quốc lộ 26 (đoạn từ km 58 đến km 61) qua 5 thôn của xã.

Dự án BOT Quốc lộ 26 ở Đắk Lắk làm nứt nhà dân, chủ đầu tư phủi trách nhiệm ​ - Ảnh 4.

Trạm thu phí dự án BOT quốc lộ 26 đoạn qua huyện Ea Kar.

"Chính quyền địa phương tiếp nhận đơn của người dân thì đã mời Công ty BOT 501 lên yêu cầu họ thực hiện việc bồi thường cho dân. 

Ngay cuối năm 2017, họ đã thuê một đơn vị độc lập đến thống kê thiệt hại của từng hộ rồi đơn vị đo đạc đưa lại hồ sơ cho 501 thực hiện bồi thường. Chúng tôi cũng không hiểu vì sao Công ty 501 lại không thực hiện việc này. 

Mới đây, UBND huyện cũng đã kết luận và yêu cầu công ty 501 phải thực hiện đúng, nghiêm việc hỗ trợ cho dân trong thời gian sớm nhất”, ông Huấn cho biết.

Chủ tịch UBND xã Ea Đar khẳng định, UBND xã Ea Đar đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư giải quyết bồi thường cho dân và công ty cũng nhiều lần cam kết hỗ trợ nhưng lại không thực hiện.

Tuấn Long

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.