|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án BĐS trên \"đất vàng\" của DN điện lực, cao su, dầu khí: Đổi chủ có “đổi vận”?

16:26 | 07/11/2016
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản có vốn góp của tập đoàn nhà nước ngành điện lực, cao su và dầu khí đã chuyển nhượng nhiều dự án đang đình trệ trên các khu "đất vàng" TP HCM cho nhà đầu tư mới. Liệu việc đổi chủ có giúp các dự án này “đổi vận”?

Gần đây nhất, Công ty CP Đầu tư Dầu khí Thăng Long là công ty con của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC - Petroland (Mã CK: PTL) đã chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Chung cư cao tầng tại Phước Long B, quận 9, TP HCM cho Tập đoàn Đất Xanh (Mã CK: DXG) với giá 563,65 tỷ đồng.

du an bds tren dat vang cua dn dien luc cao su dau khi doi chu co doi van
Ảnh minh họa (Nguồn: Người Đồng Hành)

Dự án có quy mô diện tích khoảng 8,6ha và được quy hoạch gồm nhiều chung cư cao tầng với tầng cao nhất là 25 tầng, quy mô dân số khoảng 6.500 người, tổng số căn hộ 1.625 căn.

Được biết, Công ty CP Đầu tư Dầu khí Thăng Long được lập ra bởi 2 cổ đông chính là Petroland và Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh để thực hiện đầu tư dự án. Công ty này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do PTL góp 79,9% và Vũ Anh góp 20%, cổ đông khác 0,1%.

Theo BCTC quý II/2016, PTL đã góp 70% cổ phần của công ty con này. Giá trị khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Đầu tư Dầu Khí Thăng Long được ghi theo sổ sách là khoảng 350,5 tỷ đồng. Ngoài khoản tiền này, dự kiến Petroland còn phải trả 327 tỷ đồng cho Vũ Anh theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đây là khoản chi phí cho việc đền bù giải tỏa và các chi phí khác để có quyền sử dụng lô đất dự án.

Tuy nhiên, sau 6 năm, đến nay Vũ Anh mới hoàn thành thủ tục chấp thuận đầu tư dự án nhưng vẫn chưa thực hiện xong các thủ tục xin giao đất và quyết định giao đất cho Công ty CP Dầu khí Thăng Long. Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2016 của Petroland cho biết ban giám đốc công ty tin tưởng rằng Công ty sẽ được cấp quyết định giao đất để thực hiện dự án. Sau 6 năm nằm im trên sổ sách, với việc về tay Tập đoàn Đất Xanh, liệu dự án trên "đổi chủ có đổi vận"?

Trước đó, hồi cuối tháng 9, Tập đoàn bất động sản CapitaLand đến từ Singapore cũng chi 51,9 triệu USD mua lại dự án dự án VRG River View do Công ty TNHH Cảnh Sông - liên doanh giữa Công ty Cổ phần Xây dựng - Địa ốc Cao su (Mã CK:RCC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Cao su Việt Nam (VRG) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Vinacon làm chủ đầu tư.

du an bds tren dat vang cua dn dien luc cao su dau khi doi chu co doi van
Ảnh minh họa (Nguồn: Người Đồng Hành)

Dự án này tọa lạc ở mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt phường Cầu Kho Quận 1, TP HCM với diện tích 0,5 ha. VRG River View được Tập đoàn Công nghiệp - Cao su thực hiện từ năm 2011 nhưng sau đó bị đình trệ vì thiếu vốn và được chuyển lại cho công ty con là RCC trong năm 2015.

Sau đó, RCC đã hợp tác với Vinacon thành lập liên doanh Công ty TNHH Cảnh Sông có vốn điều lệ 334,7 tỷ đồng để đầu tư. Hiện 100% cổ phần của Công ty TNHH Cảnh Sông đã được chuyển sang cho CapitaLand và dự án cũng chính thức đổi tên thành D1Mension.

CapitaLand dự kiến sẽ cải tạo lại dự án để phát triển 1 block chung cư cao cấp 17 tầng và 1 block 22 tầng làm căn hộ dịch vụ. Tổng vốn đầu tư của dự án được nâng lên 106 triệu USD và dự kiến hoàn thành vào quý I/2018. Vào ngày 22/10, D1Mension đã được chào bán tại Singapore. Mức giá bán mỗi căn hộ sẽ dao động từ 350.000-500.000 USD.

Thương vụ M&A của CapitaLand có thể tạo một bước ngoặt mới trên thị trường bất động sản Việt Nam. Bởi từ trước đến nay, chưa một nhà đầu tư nước ngoài nào chịu xuống tiền mua lại một dự án đang phát triển dở dang ở Việt Nam, do tâm lý e ngại thương hiệu của chủ đầu tư cũ, niềm tin suy giảm từ phía người mua. Đó còn là các vấn đề về pháp lý, sổ sách kế toán phức tạp..., khiến những ai săn tìm cơ hội phải chùn bước.

Cách dự án VRG River View của Tập đoàn Cao su không xa là dự án Khu phức hợp cao ốc văn phòng – thương mại – khách sạn và chung cư tại số 628-630 Võ Văn Kiệt phường 1 quận 5 do công ty cổ phầnCTCP bất động sản Saigon Vina (Land Saigon) làm chủ đầu tư.

du an bds tren dat vang cua dn dien luc cao su dau khi doi chu co doi van
Ảnh minh họa (Nguồn: Người Đồng Hành)

Saigon Vina tiền thân là Công ty CP bất động sản Điện lực Sài Gòn Vina (EVN Land Saigon) là công ty con của Tập đoàn điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên.Theo chủ trương thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành, EVN và các đơn vị thành viên đã thực hiện bán đấu giá cổ phần nắm giữ tại Sài Gòn ViNa trên HoSE thông qua hai phiên đấu giá trong ngày 30/5/2014.

Theo báo cáo thường niên 2015, hiện cổ đông lớn của công ty này gồm có: Sovico Holdings 8,638%, Công ty CP địa ốc Đại Á 13,59%, bà Nguyễn Thị thu 17,315%, ông Phạm Hữu Hòa 12,725%, Nguyễn Thị Thạch Trúc 12,725%...

Tháng 11/2015, UBND TP HCM đã duyệy quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất 628-630 Võ Văn Kiệt với diện tích 3,1ha trong đó ½ là đất văn phòng, thương mại, khách sạn và trung tâm thương mại. Khu nhà ở chung cư có tầng cao tối đa 40 tầng. ĐHCĐ thường niên của Saigon Vina đã thông qua tổng mức đầu tư dư án là 7.000 tỷ đồng

Sau khi hoàn tất thâu tóm, thách thức dành cho các chủ đầu tư mới như DXG, CapitaLand hay Sovico Holdings cũng không hề nhỏ. Lý do là hiện có rất ít dự án dở dang nào khi chuyển sang chủ đầu tư mới lại thành công. Theo các chuyên gia bất động sản, ngoài việc phải xây dựng lại thương hiệu, xóa bỏ tâm lý e ngại của người mua nhà đối với các dự án cũ, chủ đầu tư mới còn phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để thiết kế lại dự án theo ý của mình.

Báo cáo của Saigon Vina cho biết riêng năm 2016 công ty cần nguồn vốn 737 tỷ đồng để đầu tư vào dự án này. Đây là nguồn vốn khá lớn so với một công ty có quy mô doanh thu năm 2015 chỉ hơn 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguồn tin riêng cho cho biết hồi tháng 1/2016, Sài Gòn Vina đã kí hợp đồng hợp tác đầu tư dự án 628-630 Võ Văn Kiệt với Công ty cổ phần địa ốc Phú Long – thành viên của Sovico Holdings. Với sự tiếp sức của Sovico Holdings, triển vọng trong tương lai của dự án này có thể khả quan.

Duy Khánh