|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

DSC đánh giá VN-Index tháng 6 khả năng cao tiến đến vùng đỉnh 1.120 điểm của năm 2023

16:54 | 12/06/2023
Chia sẻ
DSC đánh giá thị trường vẫn đang vận động trong biên ngang, nhà đầu tư cần làm quen với những con sóng “lăn tăn” hơn là kỳ vọng thị trường đang bước vào đại sóng lớn trước bối cảnh vĩ mô chưa rõ ràng hiện tại.

Tỷ lệ cổ phiếu trên HOSE vượt MA50 cao nhất trong 13 tháng trở lại: Điều chỉnh hay phân hóa?

Trong Báo cáo chiến lược tháng trước đó, Chứng khoán DSC cho biết cấu trúc thị trường có sự cải thiện rất tốt khi tỷ lệ cổ phiếu trên HOSE vượt cản MA200 liên tục tăng. Xu hướng trên đã tiếp diễn trong tháng 5 khi tỷ lệ cổ phiếu vượt mức cản này đã đạt 67,5% (cao nhất 13 tháng trở lại) trong khi tỷ lệ cổ phiếu vượt cản MA50 đã đạt tới mức 81,7%.

Tuy độ lan tỏa rộng là tích cực, nhà đầu tư nên chú ý rủi ro trong giai đoạn này. Từ 2021 đến nay, mỗi khi tỷ lệ cổ phiếu vượt MA50 đạt khoảng 80%, VN-Index đều có điều chỉnh hoặc phân hóa. Với thị trường đang ở mức định giá rẻ và rất nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành, DSC kỳ vọng nếu có chỉnh, thị trường sẽ chỉ chỉnh nhẹ về 1.080 - 1.090 điểm trước khi có những nhịp tăng tiếp theo.

(Nguồn: DSC).

Hai kịch bản VN-Index tháng 6

DSC đánh giá thị trường vẫn đang vận động trong biên ngang, nhà đầu tư cần làm quen với những con sóng “lăn tăn” hơn là kỳ vọng thị trường đang bước vào đại sóng lớn trước bối cảnh vĩ mô chưa rõ ràng hiện tại.

Do đó, chiến lược trung bình giá tăng, hay gia tăng tỷ trọng danh mục lớn dần khi chỉ số liên tiếp tăng điểm đang không được ưu tiên. Trong tháng 6, DSC khuyến nghị chiến lược giao dịch “thực hiện hóa lợi nhuận từng phần” hay “trading giảm nhẹ tỷ trọng”. Về kịch bản thị trường, DSC đưa ra hai kịch bản chính.

Kịch bản 1, đà tăng kết thúc sớm (khả năng 40%). Thực chất, diễn biến tạo khoảng trống giá tăng (gap up) hưng phấn đầu tháng đã từng xuất hiện trong tháng 4. Song về nửa sau, áp lực bán áp đảo. Với trường hợp này, đà tăng của chỉ số giảm dần (có thể rướn lên vùng 1.120 điểm) nhưng thanh khoản gia tăng tại những phiên nến đỏ (pha phân phối) và tín hiệu xác nhận đảo chiều khi thị trường xuất hiện phiên bao trùm giảm.

Kịch bản 1. (Nguồn: DSC).

Trong trường hợp này, VN-Index có thể điều chỉnh về vùng 1.050 điểm khi vị thế mở xu hướng (1.080 điểm) bị vi phạm. Tuy nhiên, DSC đánh giá xác suất này thấp hơn bởi VN-Index đã hình thành chuỗi phiên hấp thụ áp lực cung ngắn và trung hạn trước khi vào pha “nước rút”. Hiện tại, vị thế mua lên chủ động đang chiếm ưu thế.

Kịch bản 2, đích đến kênh trên kênh song song (khả năng 60%). Ở kịch bản này, DSC cho rằng chỉ số tiến đến vùng đỉnh của năm 2023 (1.120 điểm) và hình thành biên tích lũy cho xu hướng tăng tiếp diễn lên phía sau, hướng lên 1.150 -1.200 điểm. Trong ngắn hạn, đa phần nhóm chỉ số ngành đều trong tình trạng “quá mua”, dẫn đến biên tích lũy có thể gặp áp lực điều chỉnh; điều tiết vùng cân bằng neo trên “gap up” 1.090 điểm, hình thành “bộ đệm” cho đà tăng tiếp diễn.

Các yếu tố tích cực được kỳ vọng có thể kể đến như thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng; Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn dắt (sau quá trình tích lũy 5,6 tháng, đà tăng của nhóm này kỳ vọng tiến xa hơn); Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau kỳ họp Quốc hội lần 5; Không còn nỗi lo về FED tiếp tục đẩy mạnh lãi suất điều hành Mỹ.

Kịch bản 2. (Nguồn: DSC).

Giá trị bán ròng của khối ngoại không đáng kể

Trong tháng 5, khối ngoại đã bán ròng 3,077 tỷ trên toàn thị trường. Áp lực bán ròng liên tiếp đã kìm hãm phần nào xu hướng tăng trong tháng vừa qua. Theo DSC đánh giá, nguyên nhân khối ngoại bán ròng đến từ 4 yếu tố gồm khối ngoại đã mua ròng rất nhiều kể từ vùng đáy thị trường. Việc bán bớt chốt lời là rất tự nhiên; Áp lực tỷ giá USD/VND lên cao trong bối cảnh chính sách tiền tệ Việt Nam đi ngược thế giới (nới lỏng khi thế giới thắt chặt);

Câu chuyện nâng hạng thị trường Việt Nam còn bỏ ngỏ; Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục tăng từ tháng 4 dẫn đến sự luân chuyển dòng tiền từ tài sản rủi ro (chứng khoán) sang tài sản phi rủi ro (trái phiếu chính phủ Mỹ). Tuy khối ngoại bán ròng trong tháng 5, cần chú ý giá trị bán ròng này rất nhỏ so với giá trị mua ròng của nhóm ngoại từ tháng 11/2022 đến nay.

Diệu Nhi

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.