Dragon Capital, Pyn cùng nhiều quĩ ngoại 'tất tay' cổ phiếu ngân hàng
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu ngân hàng trở thành tâm điểm dòng tiền trên thị trường. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều mã ghi nhận mức tăng trên 25% với thanh khoản đột biến.
Qua theo dõi, không riêng nhà đầu tư cá nhân, dòng cổ phiếu ngân hàng cũng là "khẩu vị" ưa thích của các quĩ ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ghi nhận thời điểm cuối tháng 8, quĩ thành viên lớn nhất trong nhóm Dragon Capital - Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) đang "tất tay" vào cổ phiếu ngân hàng với tỉ trọng lên đến 32,99%. Với giá trị tài sản ròng tại ngày 31/8 là 1.391,3 triệu USD, giá trị cổ phiếu ngân hàng của quĩ VEIL đạt gần 460 triệu USD (hơn 10.800 tỉ đồng).
So với thời điểm đầu năm, tỉ trọng nhóm ngân hàng tăng mạnh trong danh mục của VEIL. Tại ngày 31/12/2019, cổ phiếu "vua" chỉ chiếm tỉ trọng 21,21% danh mục giá trị 1.474 triệu USD của VEIL, xếp sau nhóm bất động sản.
Tuy nhiên, sau 8 tháng thì ngân hàng là nhóm ngành chiếm ưu thế trong danh mục đầu tư. Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của quĩ VEIL có đến 4 mã ngân hàng. Trong đó, ACB chiếm tỉ lớn nhất với 8,87%, theo sau đó là VCB với tỉ trọng 8,45%.
Trong 8 tháng qua, quĩ VEIL liên tục mua vào cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank. Tại ngày 31/12/2019, tỉ trọng cổ phiếu VCB chỉ là 2,7%, đứng thứ 10 trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất của quĩ tỉ đô này.
Ngoài hai mã trên, quĩ VEIL còn đang nắm giữ MBB và VPB với tỉ trọng lần lượt là 4,13% và 3,39%. Đầu năm nay, VPB chưa lọt Top10 khoản đầu tư lớn nhất.
Với việc phân bổ tỉ trọng lớn vào nhóm ngân hàng, sau 8 tháng đầu tư VEIL đang có hiệu suất tốt hơn so với thị trường chung. Cụ thể, tỉ suất lợi nhuận của quĩ này tính đến cuối tháng 8 đạt âm 5,5%. Trong khi đó, VN30-Index và VN-Index giảm lần lượt 6,3% và 8,3%.
Không riêng quĩ VEIL, một quĩ thành viên khác của Dragon Capital cũng phân bổ tỉ trọng lớn vào nhóm ngân hàng. Tính đến ngày 31/8, Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) dành 23,7% danh mục đầu tư trị giá 101,2 triệu USD vào cổ phiếu ngân hàng.
Không khác biệt nhiều so với danh mục của VEIL, VCB và MBB là hai cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của VEF với tỉ trọng lần lượt là 8,21% và 8,04%. Ngoài ra, mã CTG của VietinBank chiếm tỉ trọng 4,77%.
Trong 9 tháng đầu năm nay, khác với các nhà đầu tư cá nhân, các quĩ đầu tư trên thị trường đang trong cuộc đua để hòa vốn. Nhưng theo nguồn tin của chúng tôi, với đà tăng giá mạnh mẽ của nhóm ngân hàng, Pyn Elite Fund đã có hiệu suất danh mục đầu tư dương sau 9 tháng đầu tư.
Cuối tháng 8, Pyn Elite Fund thông báo phân bổ tỉ trọng 32,5% danh mục đầu tư vào nhóm ngân hàng, trong đó lựa chọn hàng đầu là cổ phiếu HDB, CTG và TPB.
Hiện cả 3 cổ phiếu trên đang nằm trong Top12 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất của quĩ Pyn. Chi tiết hơn, tại ngày 31/8, tỉ trọng của TPB, CTG và HDB là 9,44%, 9,39% và 8,88%.
Nói về động thái "all-in" nhóm ngân hàng, ông Petri Deryng, Giám đốc Đầu tư kiêm Thành viên HĐQT Pyn Elite Fund từng cho biết: "Trước khi đợt tái bùng phát dịch COVID-19 xảy ra, quĩ đã tăng tỉ trọng đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng do tầm quan trọng của ngành ngân hàng đối với TTCK Việt Nam. Lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã cải thiện trong năm 2019 nhưng hiệu suất vẫn thấp hơn so với VN-Index".
Tại Việt Nam, nơi các ngân hàng là câu chuyện tăng trưởng thực sự. Cổ phiếu ngành ngân hàng không được coi là cổ phiếu có cổ tức tốt vì phần lớn các ngân hàng đang đầu tư cho tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, Pyn đánh giá.
Với nhiều trường hợp khác, ngân hàng là một trong hai nhóm ngành ưa thích nhất. Ghi nhận cuối tháng 8, JPMorgan Vietnam Opportunities phân bổ 20,3% danh mục đầu tư vào cổ phiếu "vua". Trong đó, cổ phiếu VCB chiểm tỉ trọng 9,5% danh mục đầu tư của JPMorgan Vietnam Opportunities, theo sau là BID với tỉ trọng 3,4%.
Tương tự, VCB cũng là cổ phiếu ưa thích của quĩ thành viên VinaCapital - VinaWealth Equity Opportunity Fund (VEOF) khi chiếm 9,1% tỉ trọng danh mục của quĩ này. Ngoài ra, VEOF cũng đầu tư vào CTG và ACB với tỉ trọng lần lượt 3,6% và 2,8%.
Còn với Vietnam Holding, quĩ này phân bổ 19% danh mục 126,1 triệu USD vào nhóm tài chính. Cổ phiếu CTG và VCB nằm trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất của quĩ với tỉ trọng lần lượt là 4,6% và 4,3%.
Theo dõi tại các quĩ hoán đổi danh mục (ETF), VCB là cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục đầu tư đơn cử như FTSE ETF (tỉ trọng 6,84%), Premia MSCI Vietnam ETF (7,34%), VNM ETF (5,86%).
Trở lại với diễn biến giá của nhóm ngân hàng, với đà tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu "vua" nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi về lí do tăng giá mạnh. Trong bối cảnh, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, rủi ro nợ xấu tăng cao, sự hoài nghi trên là có cơ sở. Để làm rõ thêm, chúng tôi sẽ phân tích trong các bài viết tiếp theo.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/