|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones bay hơn 900 điểm một phiên, chứng khoán Mỹ lại bị bán tháo vì đâu?

07:39 | 30/04/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 29/4 chìm nghỉm khi tất cả nhóm cổ phiếu đều giảm sâu. Nasdaq vừa trải qua tháng lao dốc mạnh nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính 2008. S&P 500 xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021.

Dow Jones mất 939 điểm trong phiên 29/4/2022.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 4,2% xuống còn 12.334,6 điểm. Nguyên nhân chính là cổ phiếu của đại gia công nghệ Amazon lao dốc sau khi thông báo lỗ trong quý I.

S&P 500 cũng lao dốc 3,6% và đóng cửa ở gần 4.132 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 939 điểm, tương đương 2,8%, và kết phiên ở 32.977 điểm.

S&P 500 rơi thủng đáy ngắn hạn thiết lập hồi tháng 3 vừa qua và hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Nasdaq Composite hiện ở mức thấp nhất từ tháng 11/2020.

S&P 500 hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.

Tính chung cả tháng 4, S&P 500 mất 8,8%, đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 trong hố sâu đại dịch COVID-19. Dow Jones cũng mất 4,9% trong tháng qua.

Nasdaq cắm đầu 13,3%, ghi nhận tháng tiêu cực nhất kể từ tháng 10/2008 trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Thống kê bên dưới cho thấy mức giảm của Nasdaq trong tháng 4/2022 lớn hơn nhiều những tháng đầu dịch COVID năm 2020.

Tháng 4/2022, Nasdaq giảm mạnh hơn nhiều khi COVID-19 mới đổ bộ vào Mỹ hồi tháng 2-3/2020.

Theo CNBC, nhiều nhân tố tiêu cực đã ảnh hưởng tới nhà đầu tư và thị trường chứng khoán Mỹ tháng 4, bao gồm: Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt tiền tệ, lợi suất lên cao, lạm phát dai dẳng, COVID bùng phát ở Trung Quốc và xung đột kéo dài ở Ukraine.

Ông Yung-Yu Ma, Giám đốc chiến lược đầu tư tại BMO Wealth Management, nhận định: “Thị trường đang cố gắng hiểu rõ rất nhiều luồng thông tin khác nhau. Trong bối cảnh Fed đang tăng lãi suất và nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất định, nhà đầu tư sẽ khó có thể chấp nhận mức định giá cao ở nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường”.

Cổ phiếu công nghệ là tâm điểm của đợt bán tháo trong tháng 4. Lãi suất tăng khiến cho định giá của nhóm công nghệ đi xuống, COVID-19 ở Trung Quốc khiến cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn và xung đột ở Ukraine làm ảnh hưởng tới việc vận hành.

Riêng trong phiên 29/4, cổ phiếu Amazon lao dốc 14% sau khi đại gia công nghệ và thương mại điện tử này bất ngờ báo lỗ ròng 3,8 tỷ USD trong quý I/2022, trái ngược hoàn toàn khoản lãi 8,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích cũng dự báo Amazon có lãi trong quý I năm nay.

Không chỉ báo lỗ, Amazon còn dự báo doanh thu quý II thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Phiên lao dốc 14% vừa qua là phiên giảm mạnh nhất của Amazon kể từ năm 2006.

Cổ phiếu Intel mất 6,9% sau khi tập đoàn sản xuất chip này dự báo doanh thu và lợi nhuận quý II thấp hơn mong đợi của Phố Wall.

Apple giảm 3,7% sau khi ban lãnh đạo công ty công bố lợi nhuận quý I, đồng thời cảnh báo doanh thu quý II có thể thiệt hại khoảng 4-8 tỷ USD vì những gián đoạn chuỗi cung ứng do phong tỏa chống COVID gây ra. Biểu đồ dưới đây cho thấy các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) hiện đều thấp hơn mức đầu năm 2022.

 

Ông Michael Shaoul, Chủ tịch công ty quản lý tài sản Marketfield Asset Management, nhận định: “Điều kiện thị trường hiện nay đe dọa sẽ chuyển từ một đợt ‘điều chỉnh’ đau đớn và kéo dài thành một vấn đề đáng ngại hơn nhiều”.

“Tháng 3/2020, thị trường giảm sốc nhưng hồi phục cũng nhanh không kém. Giai đoạn hiện nay nhiều khả năng sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho những nhà đầu tư xuống tiền trong đợt tăng giá năm 2021”, ông Shaoul nói thêm.

Phiên 29/4, tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm sâu trong sắc đỏ, giảm mạnh nhất là ngành tiêu dùng không thiết yếu, bất động sản và công nghệ.

 

Tuần vừa qua là tuần có nhiều doanh nghiệp thông báo kết quả kinh doanh nhất trong mùa công bố lợi nhuận quý I/2022. Theo thống kê của FactSet, khoảng một nửa số doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính và 80% trong số này vượt kỳ vọng lợi nhuận của giới phân tích.

Ông Brian Belski, Giám đốc chiến lược đầu tư của BMO Capital Markets, nhận định: “Chúng tôi cho rằng mùa công bố lợi nhuận cho đến nay là tương đối tích cực, nhưng bao trùm lên tất cả là mối lo ngại liên quan tới lạm phát và Fed”.

Sáng 29/4, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) – thước đo lạm phát mà Fed thường sử dụng - tăng 5,2% so với tháng 3/2021.

Tuần sau, các quan chức Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ họp phiên thường kỳ tháng 5. Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục ở mức cao, thị trường dự báo gần như chắc chắn Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm %. Báo cáo việc làm tháng 4 cũng như kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp như Pfizer, Starbucks, Uber, … cũng được công bố trong tuần sau.

Tính từ đầu năm 2022, Nasdaq Composite đã lao dốc 21,2%, S&P 500 và Dow Jones mất tương ứng  13,3% và 9,3%. 

So với đỉnh lịch sử (intraday), Nasdaq hiện thấp hơn 23,9%, S&P 500 và Dow Jones cũng đã giảm lần lượt 14,3% và 10,8% từ đỉnh.

Đức Quyền - Song Ngọc