Đồng yen tăng có phải thủ phạm duy nhất khiến bitcoin cắm đầu xuống dưới 50.000 USD?
Theo Decrypt, khi nhắc đến đợt bán tháo trên thị trường toàn cầu làm giá bitcoin cắm đầu xuống dưới 50.000 USD vào ngày 5/8, các nhà đầu tư thường cho rằng giao dịch vay yen Nhật (JPY) là thủ phạm gây ra sự hỗn loạn này.
Theo dữ liệu từ TradingView, giá trị của JPY đã tăng khoảng 10,7% so với USD trong vòng 1 tháng qua. Trong khi đó, giá bitcoin đã giảm khoảng 20% chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ trong ngày 5/8.
Ông Jake Ostrovskis, nhà giao dịch OTC tại Wintermute nói với Decrypt rằng giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) đang đi đến hồi kết.
Carry trade là chiến lược giao dịch trong đó nhà đầu tư đi vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp và tái đầu tư vào tài sản của một quốc gia khác có tỷ suất sinh lời cao hơn, ví dụ như trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa hay tiền mã hóa, trong đó có bitcoin.
Trong những năm qua, JPY thường được sử dụng làm đồng tiền cấp vốn (funding currency) bởi độ biến động nhỏ và các nhà đầu tư tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ duy trì lãi suất cực thấp.
Nếu giá trị JPY giảm hoặc đi ngang, các nhà đầu tư có thể kiếm lời nhờ mức lợi suất cao hơn của những tài sản khác được mua vào, trong khi chỉ trả một mức chi phí tốt thiểu do lãi suất cực thấp tại Nhật Bản.
Hôm 31/7, BoJ đã tăng lãi suất từ phạm vi 0 - 0,1% lên "khoảng 0,25%", mức cao nhất trong vòng 15 năm qua và phát tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Động thái này đã khiến JPY mạnh lên và khiến chi phí đi vay đồng tiền này cao hơn.
Ông Ostrovskis cho biết động thái của BOJ báo hiệu sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa, khiến carry trade bằng JPY trở nên "không hấp dẫn".
"Khi họ bán tài sản rủi ro và chuyển đổi sang JPY (để trả số tiền đã vay - PV), đồng tiền này sẽ mạnh lên", ông Ostrovskis giải thích, đồng thời nói thêm rằng "tài sản rủi ro như cổ phiếu và tiền mã hóa đã trải qua sự biến động lớn và áp lực giảm giá" do các vị thế vay JPY bị đóng.
Ngoài ra, việc các nhà giao dịch mua vào JPY để có thể đóng vị thế cũng khiến cho giá đồng tiền này tăng lên, gây nhiều tác động đến những người tham gia carry trade khác, tạo ra phản ứng dây chuyền.
Ông John Wu, nhà đầu tư tại VC Asylum Ventures đã mô tả diễn biến này là “cú đúp” gây ra tình trạng thanh lý hàng loạt trên thị trường.
Ông Greg Magadini, Giám đốc phái sinh của Amberdata nói rằng nhu cầu đóng vị thế là rất lớn: “Mọi người đều nghiêng về một hướng”. Đồng thời, vị này cho biết carry trade sử dụng JPY là một giao dịch có quy mô rất lớn vì tính đơn giản và hiệu quả.
Tờ Economic Times cho biết việc xác định tổng quy mô của các giao dịch carry trade bằng JPY là điều bất khả thi. Tuy nhiên, số liệu của BIS cho thấy nợ vay quốc tế bằng JPY đã tăng 742 tỷ USD kể từ cuối năm 2021.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự sụp đổ của carry trade chỉ là một trong nhiều yếu tốt tác động tới thị trường tiền mã hóa. Theo ông Madadini, nỗi lo về suy thoái kinh tế Mỹ do dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông là những yếu tố khiến nhà đầu tư áp dụng cách tiếp cận thận trọng trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư đã chuyển sang mua trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến lợi suất giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Trái phiếu chính phủ Mỹ được coi như tài sản có mức độ an toàn cao nhất. Lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều với giá.
“Mọi thứ trở nên hỗn loạn cùng lúc”, ông Magadini nói và nhấn mạnh rằng tiền mã hóa, vàng và cổ phiếu đều biến động mạnh trong giai đoạn gần đây. “JPY giống như con chim hoàng yến trong mỏ than”, báo hiệu về nguy hiểm cho thị trường.
Ông Bartosz Lipinski, CEO của Cube.Exchange, cũng đồng tình với quan điểm rằng sự sụp đổ của carry trade bằng JPY chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến thị trường gặp khó khăn.
“Trước đây, người ta có thể vay JPY miễn phí và sử dụng nó đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau”, ông nói với Decrypt. “Sự bất ổn ở Trung Đông, [...] cũng như khả năng suy thoái ở Mỹ đang khiến nhiều nhà giao dịch tránh xa rủi ro”.